Nghệ - Tác dụng điều trị các bệnh viêm loét

  •  
  • 2.023

Nghệ là cây thảo, thân rễ to, có ngấn, phân nhánh thành nhiều củ, màu vàng sẫm đến vàng đỏ, rất thơm. Lá mọc thẳng từ thân rễ, gốc thuôn hẹp, đầu hơi nhọn, hai mặt nhẵn cùng màu lục nhạt, mép nguyên uốn lượn, bẹ lá rộng và dài.

Cụm hoa hình trụ hay hình trứng đính trên một cán mập dài, mọc từ giữa túm lá, lá bắc rời, màu rất nhạt, những lá phía dưới mang hoa sinh sản, màu lục hoặc trắng nhạt, những lá gần ngọn không mang hoa, hẹp hơn và pha màu hồng ở đầu lá, đài có 3 răng không đều, tràng có ống dài, cánh giữa dài hơn các cánh bên, màu vàng. Quả nang, 3 ô, hạt có áo.

Tác dụng dược lý

Nghệ có hoạt tính chống viêm cấp tính và viêm mạn tính trong các mô hình gây phù bàn chân và gây u hạt thực nghiệm trên chuột cống trắng, đồng thời có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột cống đực non. Đó là những tác dụng điển hình của thuốc chống viêm. Tinh dầu nghệ có hoạt tính chống viêm khớp thực nghiệm. Curcumin và các dẫn chất là những hoạt chất của nghệ. Cơ chế chống viêm có thể do tác dụng loại trừ các gốc tự do có vai trò quan trọng trong quá trình viêm.

Nghệ có hoạt tính chống loét dạ dày và chống rối loạn tiêu hóa. Cao chiết từ nghệ cho thỏ uống làm giảm tiết dịch vị, tăng lượng chất nhầy trong dịch vị, bảo vệ niêm mạch dạ dày tá tràng, chống thương tổn loét gây bởi thắt môn vị và bởi stress do cầm giữ, nhịn đói và do tác dụng phụ của một số thuốc. Nghệ kích thích sản sinh chất nhầy ở thành dạ dày. Curcumin ức chế sự tạo khí trong ruột.

Tinh dầu nghệ làm tăng tiết mật và kích thích co cơ túi mật trong thử nghiệm trên chó. Cao chiết từ nghệ có tác dụng dự phòng chống tổn thương gan gây thực nghiệm trên động vật.

Tinh dầu và một số thành hóa học của nghệ có tác dụng ức chế nhiều loài vi khuẩn và nấm gây bệnh trong đó có trực khuẩn lao, các trực khuẩn lỵ, phế cầu khuẩn, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn coli, nấm candida albicans. Cao chiết từ nghệ có tác dụng ức chế lỵ amip. Dịch chiết từ lá nghệ diệt ấu trùng muỗi.

Dược lý lâm sàng

Cho bệnh nhân uống bột nghệ mỗi lần 500g, ngày 4 lần trong 7 ngày, đã có hiệu quả tốt đối với loạn tiêu hóa acid, loạn tiêu hóa đầy hơi và loạn tiêu hóa mất trương lực. Một nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cho thấy, curcumin có tác dụng cải thiện đối với sự cứng đơ khớp buổi sáng, sưng khớp và về thời gian đi bộ.

Viêm kim truật, bào chế từ nghệ và bạch truật, đã được dùng điều trị loét dạ dày, tá tràng trên lâm sàng với kết quả làm giảm khá nhanh các cơn đau, làm giảm độ acid dịch vị, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa đều khỏi, nhưng chưa thấy rõ sự thay đổi hình ảnh chụp X-quang của vết loét, viên hương nghệ bào chế từ nghệ vàng, mai mực, hương phụ, cà độc dược, áp dụng cho bệnh nhân viêm loét dạ dày, có tác dụng làm hết đau thượng vị, hết ợ chua, ợ hơi, hết cơn đau về đêm.

Cao dán nhọt bào chế từ nghệ và một số dược liệu khác, áp dụng điều trị cho 30 bệnh nhân bị mụn nhọt, đã đạt tỷ lệ khỏi và đỡ là 84%. Việc điều trị đơn giản, không phải rạch, chích, không cần dùng kháng sinh, bông băng.

Công dụng

Nghệ được dùng để điều trị trong các trường hợp bị đòn ngã tổn thương ứ máu, viêm loét dạ dày, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da. Nghệ còn được dùng chữa bế kinh, tích huyết tử cung, sau khi sinh máu xấu không ra, kết hoàn cục gây đau bụng. Ngày uống 2-6g, chia làm 2-3 lần, dưới dạng bột hoặc thuốc sắc.

Dùng ngoài nghệ tươi giã nát, vắt lấy nước để bôi lên ung nhọt, lở loét, các mụn mới khỏi để đỡ sẹo. Nghệ còn được dùng ở một số nước khác trị ho, lao phổi.

Các bài thuốc có nghệ

Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng dạ dày, ợ hơi, ợ chua

Nghệ 10g, trần bì 12g, khổ sâm 12g, hương phụ 10g, bồ công anh 10g, ngải cứu 8g. Dùng dạng thuốc bột. Ngày uống 10-20g, chia 2 lần.

Nghệ 12g, đỗ đen sao 20g, sâm bố chính 12g, hoài sơn 12g, thổ phục linh 10g, trần bì 10g, mật ong 10g. Dạng thuốc hoàn, ngày uống 10-20g.

Chữa viêm gan virus cấp tính

Nghệ 12g, nhân trần, bồ công anh, rễ cỏ tranh, mỗi vị 40g, chi tử 16g, đại hoàng sao 12g, hoàng liên 8g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm gan, suy gan, vàng da

Nghệ 5g, bồ bồ 10g, dành dành 5g, râu ngô 5g. Uống ngày một thang, bào chế thành dạng siro hoặc cốm.

Nghệ 2g, rau má 4g, núc nác 3g, nhân trần hoặc bồ bồ 3g, sài hồ nam (lức), dành dánh, nhọ nồi, hậu phác nam (vối rừng), mỗi vị 2g.

Nghệ, dành dành, hậu phác được tán bột mịn, các vị khác nấu cao nước đặc, làm hoàn. Ngày uống 10g.

Chữa thổ huyết, chảy máu cam

Nghệ tán nhỏ, ngày uống 4-6g, chiêu với nước.

Chữa sỏi mật, làm mòn sỏi

Kim tiền thảo 40g, nghệ, vân mộc hương, nhân trần, chỉ xác, đại hoàng, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Phòng và chữa tích huyết tử cung sau khi sinh

Nghệ 1 củ, nướng nhai ăn, hoặc giã nát nấu xôi nếp ăn.

Chữa đau kinh

Nghệ 12g, ích mẫu 20g, sinh địa 16g, huyền sâm 16g, địa cốt bì 12g, đào nhân, hương phụ, thanh bì, mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày.

Nghệ 8g, ích mẫu 16g, đào nhân, xuyên khung, ngưu tất, hương phụ, mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày.

Cao dán nhọt

Nghệ 60g, củ ráy 80g, dầu vừng 80g, nhựa thông 40g, sáp ong 40g. Củ ráy gọt sạch vỏ, cùng giã với nghệ cho thật nhỏ, cho vào nấu nhừ với nhựa thông, dầu vừng và sáp ong. Lọc, để nguội, phết lên giấy bản, dán vào mụn nhọt.

Theo Sức khỏe & đời sống
  • 2.023