Frizt Haber - Kẻ sát nhân nhận giải Nobel Hóa học

  •   4,52
  • 3.522

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của giải Nobel, chưa lần nào Hội đồng thẩm định giải gặp phải sự phản ứng gay gắt của công luận như năm 1919, khi Fritz Haber, người Đức, được trao giải Nobel Hóa học. Sự phản ứng ấy phát xuất từ việc Fritz Haber đã chế tạo ra khí độc Clo, Phosgene và khí Mù tạt, giết chết hơn 100.000 người lính thuộc phe Đồng minh trong Chiến tranh thế giới lần thứ I…

Cái chết vô hình

6 giờ chiều ngày 22/4/1915, một đám mây màu vàng nhạt lừng lững trôi về phía phòng tuyến của liên quân Anh, Pháp, Algeria ở Ypres, miền Tây nước Bỉ. Phát xuất từ vị trí của quân Đức cách đó vài trăm mét, đám mây có chiều dài gần 2km được những cơn gió đưa đi, nhanh chóng tràn ngập các chiến hào.

Gần như ngay lập tức, những người lính Anh, Pháp, Algeria sau khi hít phải cái khí màu vàng ấy đều ho sặc sụa rồi ngạt thở. Một lính tiếp vận người Canada may mắn thoát chết vì lúc đẩy chiếc xe chở nồi súp và bánh mì đến chiến hào, anh ta thấy cổ họng nóng rát, mắt cay xè và đầu thì lùng bùng nên đã bỏ xe chạy về tuyến sau.

Kể lại với các bác sĩ quân y, anh lính này nói: "Tôi không biết nó là gì. Nó khiến cho phổi tôi như có lửa và họng tôi như bị ai đó xé toạc ra. Tôi nghĩ nếu tôi ở lại chừng 1, 2 phút nữa thì có lẽ tôi khó sống vì không thở nổi".

8 giờ tối, khi đám mây màu vàng đã tan hết, các bác sĩ quân y cùng một số lính lên xem. Trước mắt họ, trong các chiến hào là những xác chết ngổn ngang. Xác nào da cũng xám đen, miệng há rất lớn như thể cố nuốt lấy những hớp không khí cuối cùng. Cây cối xung quanh cành lá co quắp lại, nhiều con chim tình cờ bay ngang cũng chết. Tổng cộng gần 6.000 lính ở vị trí phòng thủ Ypres không ai sống sót.

Bác sĩ quân y Alain Courster, người Pháp, viết trong nhật ký công tác: "Đây là vụ tấn công bằng khí độc đầu tiên, gây ra bởi quân Đức trong Thế chiến I. Nó khiến nạn nhân chết vì ngạt thở và nó là cái chết vô hình".

Trước đó, theo Công ước Hague được các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Nga…, ký kết vào năm 1899, việc sử dụng "khí gây ngạt thở" đã bị cấm hoàn toàn nhưng khi Thế chiến I nổ ra, công ước ấy đã bị phớt lờ mà phía khơi mào là nước Đức, trong đó cha đẻ của thứ vũ khí giết người vô hình đó là Fritz Haber, một nhà hóa học xuất sắc người Đức, bạn thân của nhà bác học Albert Einstein.

Chính Haber là kẻ đã đạo diễn vụ tấn công bằng khí độc tại Ypres chiều ngày 22/4/1915. Bằng cách nén 150 tấn khí Clo vào 6.000 chiếc thùng. Lúc gió bắt đầu thổi mạnh về phía quân Đồng minh, Haber cho lính - đã được đeo mặt nạ phòng độc cũng do Haber chế tạo - mở thùng ra, và kết quả hoàn toàn đúng như Haber đã tính toán.

Fritz Haber (ảnh trái) và Fritz Haber nghiên cứu chế tạo khí độc Clo.
Fritz Haber (ảnh trái) và Fritz Haber nghiên cứu chế tạo khí độc Clo.

Sinh ngày 9/12/1868 ở Bresau, Phổ, Haber đã tốt nghiệp ngành hóa học tự nhiên tại Đại học Heidenberg và Đại học Berlin. Một trong những phát minh quan trọng nhất của Haber là tổng hợp chất amoniac (thành phần chính của các loại phân hóa học) từ hydro và nitơ trong không khí bằng nhiệt độ và áp suất cao.

Trước đó, để có amoniac, phần lớn các nhà sản xuất phân bón trên thế giới đều phải mua nguyên liệu nitrat từ Chile. Nếu như năm 1925, sản lượng nitrat của Chile là 2,5 triệu tấn, bán với giá 45USD/ tấn thì sau khi Haber tổng hợp được amoniac rồi được sản xuất quy mô, đại trà thì con số xuất khẩu nitrat của Chile chỉ còn 800.000 tấn và giá cũng giảm xuống 19USD/tấn.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, phát minh của Haber đã ngăn chặn sự chết đói của hàng tỉ người vì nguồn ngũ cốc, rau quả của một nửa dân số trên thế giới dựa vào phân hóa học. Họ gọi amoniac của Haber là "bánh mì từ không khí".

Tội ác trong chiếc áo choàng trắng

Năm 1914, Thế chiến I nổ ra. Rất nhanh chóng, Haber cùng 92 nhà khoa học, học giả và giới văn nghệ sĩ nổi tiếng của nước Đức cùng ký tên vào cái gọi là "Tuyên ngôn 93", nội dung ủng hộ cuộc chiến tranh chống lại Anh, Pháp, Nga…

Bằng kiến thức của mình, Haber chuyển hướng từ nitrat dùng trong nông nghiệp sang sản xuất thuốc nổ trinitrat glycerin, và các nhà máy amoniac ở Đức đã chạy hết công suất. Theo các nhà sử học, nước Đức sẽ cạn nguồn bom đạn chỉ trong 2 năm nếu không dựa vào phát minh của Haber.

Cuối năm 1914, lúc chiến sự bắt đầu gia tăng với cường độ ngày càng ác liệt, Haber cho rằng nước Đức nên có những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng không gây tốn kém nhiều trong sản xuất, và loại vũ khí ấy chỉ có thể là khí độc. Nó sẽ phá vỡ thế bế tắc của quân Đức ở mặt trận phía Tây.

Thoạt đầu, khi ông ta trình bày ý kiến này với Hội đồng Tham mưu quân đội Đức thì một số tướng lĩnh lên tiếng phản đối vì họ không tin rằng nó có thể giết chết rất nhanh chóng cùng một lúc hàng nghìn người. Tuy nhiên theo Haber: "Điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được, và hàng trăm nghìn binh lính chúng ta sẽ trở về nhà vì vũ khí hóa học giúp kết thúc cuộc chiến nhanh hơn…".

Fritz Haber (người chỉ tay) và các sĩ quan Đức với lô khí Clo đầu tiên.
Fritz Haber (người chỉ tay) và các sĩ quan Đức với lô khí Clo đầu tiên.

Đầu năm 1915, quân đội Đức thành lập 2 đơn vị hóa học. Dưới sự hướng dẫn của Haber, lính trong đơn vị học cách sử dụng những thùng chứa khí nén Clo rồi sau đó là khí Phosgene và khí Mù tạt. Họ cũng học cách sơ cứu nếu chẳng may hít phải. "Chiến thắng" đầu tiên của Haber là gần 6.000 lính ở vị trí phòng thủ Ypres ngày 22/4/1915, không ai sống sót.

Hành động của Haber đã khiến ông ta bị cả Anh lẫn Pháp tố cáo là tội ác chiến tranh. Họ gọi Haber là "Tiến sĩ Tử thần" còn người Đức thì vinh danh Haber là "Cha đẻ của chiến tranh hóa học". Trong phòng làm việc của Haber, có một bức ảnh chụp một đám mây khí Clo với dòng chữ: "Tôi chỉ muốn làm hết giới hạn của mình".

Sau khi thông tin về cuộc tấn công bằng khí độc Clo tại Ypres lan truyền trên mặt báo và các đài phát thanh, bà Clara Immerwahr, vợ Haber đồng thời cũng là một nhà hóa học tài ba, đã có những cuộc tranh cãi nảy lửa với chồng về phương diện đạo đức ngay trong bữa tiệc tổ chức tại nhà riêng, mừng Haber được thăng chức Viện trưởng Viện Hóa học.

Theo những người có mặt trong buổi tiệc ấy, bà Clara Immerwahr đã lớn tiếng: "Giết người hàng loạt bằng khí độc là một tội ác dã man và khủng khiếp nhất trong số những tội ác. Đó là hành vi man rợ, phá vỡ mọi quy luật cuộc sống. Nó đã khiến trật tự thế giới đảo lộn. Những việc chồng tôi làm chẳng có gì đáng để tự hào, nếu không muốn nói là ô nhục".

Tuy nhiên, Haber vẫn cương quyết bảo vệ quan điểm của mình bằng cách nói với vợ: "Thời bình, nhà khoa học thuộc về nhân loại nhưng thời chiến, họ thuộc về đất nước của họ". Tuyệt vọng, đầu tháng 5/1915, chỉ hơn một tuần sau vụ tấn công bằng khí Clo ở Ypres, bà Clara tự sát bằng cách dùng khẩu súng ngắn của Haber, bắn vào đầu. Khi đứa con trai 13 tuổi của Clara nhìn thấy mẹ mình nằm sấp trên vũng máu thì bà đang hấp hối.

Bất chấp cái chết của vợ, Haber vẫn bình thản trở lại với công việc nghiên cứu các loại vũ khí hóa học mới. Đến tháng 8, khí Phosgene đưa vào sử dụng ở mặt trận phía Tây, đã giết chết 1.500 quân Đồng minh chỉ trong 40 phút đồng hồ. Để trả đũa, Đồng minh cũng lao vào cuộc chạy đua sản xuất khí độc chống lại lính Đức. Cho đến khi Thế chiến I kết thúc bằng sự đầu hàng của người Đức, đã có hơn 100.000 lính của cả hai phe chết vì khí Clo, khí Phosgene và khí Mù tạt

Giải Nobel cho kẻ sát nhân

11 giờ trưa ngày 11/11/1918, lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực. Thế chiến 1 chấm dứt, nước Đức đầu hàng. Nghe tin sẽ bị bắt vì tội ác chiến tranh, Haber trốn sang Thụy Sĩ nhưng vài tháng sau, ông ta quay lại nước Đức vì "tin đồn vô căn cứ".

Đến tháng 11/1919, Haber được trao giải Nobel Hóa học về công trình nghiên cứu tổng hợp amoniac. Quyết định của Hội đồng Nobel đã gây ra những cuộc tranh cãi bất tận về vai trò của Haber trong Thế chiến I, thậm chí có 2 nhà khoa học người Pháp cũng nhận giải Nobel đã từ chối vinh dự này để phản đối Haber.

Họ tuyên bố: "Bằng cách trao giải Nobel Hóa học cho tên sát nhân hàng loạt, giải Nobel đã tự mình làm mất đi đạo đức và danh dự cho những người cùng nhận lãnh nó…".

Sau chiến tranh, vẫn là một người yêu nước Đức, Haber tiếp tục ủng hộ quê hương bằng cách nghiên cứu lấy vàng từ nước biển - một công trình mà ông ta hy vọng sẽ giúp nước Đức trả hết nợ chiến tranh. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thất bại vì chi phí bỏ ra để thu hồi 1 once vàng từ nước biển, có thể mua được 3 once vàng ngoài thị trường.

Bức ảnh chụp đám mây khí độc Clo trong phòng làm việc của Haber.
Bức ảnh chụp đám mây khí độc Clo trong phòng làm việc của Haber.

Năm 1933, Hitler trở thành thủ tướng nước Đức Quốc xã. Cuối năm đó nhà độc tài này ban hành một đạo luật, nội dung không cho phép bất kỳ một người Do Thái nào được làm việc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức dân sự. Và mặc dù Haber có gốc Do Thái nhưng ông ta được miễn trừ bởi những "chiến công" trong Thế chiến I. Tuy nhiên Haber cũng tiên liệu được số phận mình nên ông ta từ chức Viện trưởng Viện Hóa học rồi sang Thụy Sĩ.

Ở được vài tháng, quốc gia trung lập này khuyên Haber nên nhanh chóng rời đi vì họ không bảo đảm rằng thân nhân của những người đã chết vì khí độc hồi Thế chiến I sẽ không trả thù!

Những ngày cuối đời, Haber lang thang khắp châu Âu để tìm việc làm nhưng ở đâu ông ta cũng bị xa lánh và từ chối. Năm 1934, lúc 65 tuổi, Haber chết vì suy tim trong một nhà vệ sinh công cộng. Khi Thế chiến II nổ ra, một lần nữa phát xít Đức lại dựa trên những công trình nghiên cứu của Haber về vũ khí hóa học để cho ra đời khí Zyklon B - loại khí khét tiếng được sử dụng trong các trại tập trung, giết chết 11 triệu người Do Thái.

Nhiều năm sau khi Haber qua đời, cái tên của ông ta vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Một số nhà khoa học cho rằng "phát minh tổng hợp amoniac của Haber đã cứu hàng trăm triệu người thoát khỏi nạn đói bằng cách cung cấp cho thế giới một công nghệ sản xuất phân bón dồi dào" nhưng ngược lại, nhiều nhà khoa học lại gọi Haber là "một anh hùng và cũng là một sát nhân, kẻ đã thể hiện năng lực để nuôi dưỡng cuộc sống đồng thời cũng chính là kẻ đã hủy diệt cuộc sống".

Ngay cả người bạn thân của Haber là nhà bác học lừng danh Albert Einstein - cha đẻ của "Thuyết Tương đối" cũng nói: "Cuộc sống của Haber là một bi kịch. Anh ta không chỉ đơn giản là một người Đức, anh ta là một con người. Trong anh ta có cả một vị thánh và một con quỷ. Anh ta sáng tạo và phá hoại. Khi cầm trong tay hàng triệu đồng mark Đức, anh ta vui mừng trước cái chết đau đớn của hàng trăm nghìn người. Anh ta sống giàu sang, xa xỉ nhưng chết một mình trong sự cô lập của nhân loại. Lịch sử chẳng có cách nào để có thể dễ dàng đánh giá tội lỗi và đóng góp của anh ta…".

Ngày nay, người ta ước tính rằng quy trình tổng hợp amoniac của Haber vẫn tiếp tục cung cấp nitơ làm phân bón cho hơn một nửa số cây trồng trên toàn thế giới nhưng điều ấy vẫn không xóa được cái biệt danh "Tiến sĩ Tử thần"…

Cập nhật: 17/09/2018 Theo CAND
  • 4,52
  • 3.522