Daily Mail dẫn lời nhà khoa học thần kinh hàng đầu: Con người hạnh phúc nhất khi chạm đến ngưỡng... 82 tuổi, thậm chí già đi còn giúp cải thiện một số chức năng của não bộ.
Cụ thể, nhà khoa học thần kinh Daniel Levitin đã thực hiện nghiên cứu để phá vỡ định kiến bấy lâu nay về tuổi già: rằng trí nhớ kém đi, học kĩ năng mới trở nên khó khăn hơn khi ta nhiều tuổi.
Theo nhà thần kinh học Daniel Levitin, con người hạnh phúc nhất khi tới 82 tuổi. (Ảnh minh họa).
Trò chuyện trên sóng radio của chương trình Good Morning Sunday, Levitin nói: "Trong 10 năm qua, khoa học thần kinh đã phát hiện ra rằng trí nhớ không nhất thiết bị lão hóa tỉ lệ thuận với tuổi tác".
"Thậm chí, nhiều người còn cho rằng người càng cao tuổi càng dễ trầm cảm".
"Không phải ai cũng biết tuổi hạnh phúc trung bình trên 72 quốc gia là 82 tuổi, và tôi cho rằng với khoa học hiện đại, chúng ta có thể chống lại sự lão hóa trong vòng 10 năm tới".
"Hầu như ai cũng sợ già đi, sợ già như sợ chết".
"Thường câu chuyện sẽ là, một con người lớn lên, học hỏi các kỹ năng và trở nên sành sỏi hơn mỗi ngày - đến thời điểm nhất định thì mọi thứ đình trệ, kiến thức rơi rớt hết".
"Nhưng trên thực tế cộng với các bằng chứng trong 10 năm qua lại cho thấy, bộ não thậm chí còn được cải thiện dù bạn đã già, nó còn tốt lên mỗi ngày cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay".
(Ảnh minh họa)
Sau đó Levitin dẫn chứng một số "già gân" nổi tiếng, mặt mũi có thể nhăn nheo đấy nhưng tâm hồn chưa bao giờ già: Nam tài tử Clint Eastwood 89 tuổi, nghệ sĩ Stevie Wonder 69 tuổi...
Nam tài tử Clint Eastwood.
Nghệ sĩ Stevie Wonder.
Có lần, Levitin đã hỏi bí quyết để có những năm tháng hạnh phúc khi về già từ Clint Eastwood thì nhận được câu trả lời: "Tôi không cho phép mình già".
Không muốn nhanh già, hãy ngủ đủ!
Sau khi tiếp xúc với vô số những người "diện lão tâm bất lão", Levitin khẳng định: "Mánh lới khôn ngoan nhất của con người chính là ngủ đủ, 8 - 9 tiếng mỗi đêm".
Bên cạnh đó, ông khẳng định người mang tôn giáo cũng có chỉ số hạnh phúc lớn nhưng kẻ vô thần - có lẽ vì họ nâng niu giá trị tinh thần nhiều hơn.
Tương tự, ngay cả những lần tiếp xúc ngắn ngủi với người lạ mỗi ngày cũng rất tốt cho trí óc. Cụ thể hơn, việc tiếp xúc với người lạ khiến hầu hết các bộ phận của não hoạt động: Từ giải mã chuyển động khuôn mặt, lời nói cho đến cách phản ứng khi trình bày... Tóm lại, con người muốn trẻ lâu thì phải ngủ đủ và không để bộ não đình trệ!