Nghiên cứu mới: Biến tế bào ung thư thành tế bào gốc, giúp chế thuốc chữa bệnh

  •  
  • 729

Các nhà khoa học tại Đại học Hokkaido, Nhật Bản đã phát triển một loại hydrogel có khả năng biến tế bào ung thư ngược lại thành tế bào gốc ung thư trong 24 giờ. Kết quả này mở ra cơ hội bào chế thuốc "diệt tận gốc" ung thư.

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới với hơn 8,6 triệu người chết mỗi năm. Tuy các phương pháp chữa trị không ngừng tiến bộ nhưng tỉ lệ sống 5 năm của các bệnh nhân giai đoạn cuối là rất thấp.

Các nhà khoa học Nhật Bản tạo ra hóa chất DN gel biến tế bào ung thư trở lại thành tế bào gốc
Các nhà khoa học Nhật Bản tạo ra hóa chất DN gel biến tế bào ung thư trở lại thành tế bào gốc - (Ảnh: JUN SUZUKA).

Một trong những lý do là bởi các mô ung thư có chứa tế bào gốc ung thư gây kháng hóa trị và xạ trị. Các tế bào gốc này có thể tuần hoàn trong máu và gây di căn ung thư. Các nhà khoa học từ lâu đã hướng đến phương pháp tấn công vào các tế bào gốc ung thư, tuy nhiên gặp một số trở ngại.

"Tế bào gốc ung thư là mục tiêu lớn của các thuốc chống ung thư nhưng rất khó để xác định chúng bởi số lượng tế bào gốc hiện diện quá ít trong các mô ung thư. Việc hiểu được cơ chế phân tử của các tế bào gốc ung thư là rất cần thiết để phát triển các liệu pháp chữa ung thư hiệu quả hơn", giáo sư Shinya Tanaka tại khoa y của Đại học Hokkaido giải thích.

Theo SciTechDaily, các nhà khoa học tại Đại học Hokkaido và Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia Nhật Bản đã phát triển thành công một loại hydrogel có khả năng "hô biến" tế bào ung thư trở lại thành các tế bào gốc ung thư trong vòng 24 giờ với 6 loại ung thư: não, phổi, tử cung, đại tràng, bàng quang và xương.

Loại hydrogel mới với tên gọi DN gel có thể nhanh chóng tái lập trình các tế bào ung thư phân hóa thành các tế bào gốc. Nhờ phát minh này, các nhà khoa học có thể khắc phục trở ngại về số lượng tế bào gốc quá ít đang ẩn mình trong các mô ung thư. Nó mở ra cơ hội chế tạo các loại thuốc diệt tế bào gốc ung thư và các loại thuốc "cá nhân hóa".

Kết quả nghiên cứu được báo cáo trên tạp chí khoa học Nature Biomedical Engineering ngày 29-3.

Cập nhật: 31/03/2021 Theo Tuổi Trẻ
  • 729