Nghiên cứu mới về miếng dán vaccine Covid-19

  •  
  • 187

Nhóm nghiên cứu tại Mỹ cho hay họ dự định kết hợp với Pfizer, Moderna để phát triển vaccine Covid-19 dạng dán.

Theo CTV News, nhóm nghiên cứu từ Đại học Stanford và Đại học Bắc Carolina, Mỹ, công bố nghiên cứu về miếng dán vaccine 3D trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Proceedings of the National Academy of Sciences - PNAS).

Miếng dán vaccine của họ không cần sử dụng kim tiêm, có thể mang tới phản ứng miễn dịch mạnh hơn nhiều lần so với phương pháp truyền thống. Miếng dán không gây tổn thương và chỉ sử dụng một lần nên không có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Sau khi phát triển về mặt công nghệ, nhóm nghiên cứu sẽ liên kết với vaccine Covid-19 theo công nghệ mRNA như Pfizer, Moderna để cho ra đời phiên bản mới. Sau đó, họ sẽ thử nghiệm công nghệ vaccine này, giúp giảm bớt áp lực, đau đớn với người được tiêm chủng, nhất là những trường hợp bị sợ kim tiêm.

Miếng dán vaccine có các đầu kim siêu nhỏ
Miếng dán vaccine có các đầu kim siêu nhỏ, mang dược liệu thấm qua da và không gây đau đớn. (Ảnh: CTV News).

Miếng dán polyme có kích thước 1cm2, chứa 100 microneedles (vi tiêm) được in 3D. Các kim dài 700 micromet; đủ sâu để thấm vào da, từ đó đưa vaccine vào cơ thể.

Khi thử nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu nhận thấy miếng dán vaccine tạo phản ứng kháng thể cao hơn 20 lần so với tiêm kim truyền thống sau 3 tuần. Kết quả này cao hơn 50 lần sau một tháng.

Thông thường, các vaccine hiện tại, nhất là vaccine Covid-19, phải bảo quản trong tủ đông, nhiệt độ 2-8 độ C hoặc tủ âm sâu tới -70 độ C. Người dân cũng không được tự tiêm mà cần đến sự trợ giúp của nhân viên y tế.

Miếng dán vaccine sẽ giải quyết được các vấn đề này. Người dân có thể tự sử dụng, không cần bảo quản nhiệt độ đặc biệt. Miếng dán vaccine sẽ hòa tan vào da, không gây bất kỳ đau đớn nào. Theo Sci Tech Daily, điều này giúp tỷ lệ bao phủ tiêm chủng nhanh hơn.

Việc sử dụng miếng dán vaccine đã từng được Vaxxas thử nghiệm trước đây để triển khai tiêm phòng cúm, bại liệt và sởi. Theo bà Shaomin Tian, đồng tác giả nghiên cứu, thách thức hiện tại của công nghệ sản xuất miếng dán vaccine là khó sản xuất hàng loạt các vi tiêm.

Song, nhóm chuyên gia của Mỹ đã giải quyết được vấn đề này nhờ công nghệ in 3D trực tiếp các microneedeles.

Công nghệ sử dụng miếng dán vaccine cũng từng được tiến sĩ Nguyễn Đức Thành và nhóm nghiên cứu Nguyen Lab của anh tại ĐH Connecticut (Mỹ) phát triển từ đầu năm 2021. Miếng dán vaccine được nhóm phát triển dựa trên phương pháp sản xuất SEAL (StampEd Asembly of Polymer Layer) và công nghệ sản xuất chip máy tính. Nó giúp tạo ra những vi hạt nhỏ được điều chỉnh sẵn, có tác dụng nhả vaccine vào những thời điểm khác nhau và mô phỏng quá trình đưa thuốc vào cơ thể.

Nghiên cứu về miếng dán vaccine này đã được đăng trên tạp chí công nghệ y sinh Nature Biomedical Engineering và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới.

Cập nhật: 28/09/2021 Theo Zing
  • 187