Nghiên cứu từ Úc: Ngủ kiểu này chẳng khác nào tự hại mình, làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ tới 53%

  •  
  • 797

Trong mùa đông, nhiều người thường dành nhiều thời gian để ngủ hơn mỗi khi có thể. Thời tiết lạnh vào buổi sáng và buổi tối khiến dậy sớm trở thành thử thách.

Mặc dù không có gì sai khi thi thoảng, chúng ta ngủ thêm một chút, nhưng nghiên cứu mới cho thấy giờ ngủ thất thường có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.

Một nghiên cứu mới cho thấy những người có thói quen ngủ thất thường có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ cao hơn 53%, tờ Express đưa tin.

Giờ ngủ thất thường có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Giờ ngủ thất thường có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu được dẫn đầu bởi các nhà khoa học Úc, vừa được công bố trên tạp chí Thần kinh học. Trong nghiên cứu, giấc ngủ đều đặn nghĩa là một người đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Các chuyên gia cho biết điều này quan trọng tương đương với thời lượng ngủ.

Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Matthew Paul Pase, từ Đại học Monash ở Úc, giải thích: "Các khuyến nghị về sức khỏe giấc ngủ thường tập trung vào việc ngủ đủ thời gian được khuyến nghị, tức là từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm, nhưng ít chú trọng đến việc duy trì lịch trình ngủ đều đặn".

"Phát hiện của chúng tôi cho thấy thói quen ngủ đều đặn của một người là một yếu tố quan trọng khi xem xét nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ".

Nghiên cứu được tiến hành như thế nào?

Trong nghiên cứu, nhóm nghiên cứu từ Đại học Monash đã nghiên cứu 88.094 người từ Vương quốc Anh, với độ tuổi trung bình là 62. Mỗi người tham gia được theo dõi trung bình bảy năm.

Thời gian ngủ của họ được theo dõi trong một tuần để thiết lập lịch trình ngủ.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích những kết quả này và xếp hạng mức độ ngủ đều đặn của mỗi người theo thang điểm. Điểm cao hơn được gán cho những người có cùng thời gian đi ngủ mỗi đêm.

Ví dụ: một người ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày sẽ có chỉ số đều đặn về giấc ngủ là 100. Trong khi đó, một người ngủ và thức dậy vào những thời điểm khác nhau mỗi ngày có điểm số là 0.

Trong thời gian bảy năm, 480 người tham gia đã mắc bệnh sa sút trí tuệ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có thói quen ngủ thất thường có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.

Cụ thể hơn, những người có giấc ngủ thất thường có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 53% so với những người có chỉ số ngủ đều đặn ở mức trung bình.

Giáo sư Pase nói thêm: "Giáo dục sức khỏe giấc ngủ hiệu quả kết hợp với các liệu pháp hành vi có thể cải thiện tình trạng giấc ngủ thất thường".

"Dựa trên những phát hiện của chúng tôi, những người có lịch trình ngủ không đều có thể chỉ cần cải thiện chỉ số giấc ngủ đều đặn ở mức trung bình để ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ".

Tuy nhiên, ông nói thêm: "Cần có nghiên cứu trong tương lai để xác nhận những phát hiện của chúng tôi".

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện mối liên hệ giữa giấc ngủ kém với vô số vấn đề sức khỏe khác bao gồm tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ và trầm cảm.

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyến nghị người lớn nên ngủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm.

Cập nhật: 16/12/2023 ĐSPL
  • 797