Ngôi sao phát nổ gây đại tuyệt chủng trên Trái đất

  •  
  • 1.725

Một vụ nổ siêu tân tinh xảy ra cách Trái đất 65 năm ánh sáng có thể góp phần dẫn tới sự kiện đại tuyệt chủng trên hành tinh 359 triệu năm trước.

Quanh khoảng thời gian này, Trái đất trải qua sự sụt giảm nhanh chóng về đa dạng sinh học. Những bằng chứng gần đây cho thấy sự kiện tuyệt chủng có thể trùng với thời kỳ lượng ozone giảm mạnh trong khí quyển, có thể do nhiệt độ toàn cầu gia tăng. Trong nghiên cứu công bố hôm 18/8 trên tạp chí PNAS, một nhóm nhà khoa học xem xét nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng trên. Họ kết luận thủ phạm là vụ nổ siêu tân tinh trút bức xạ vũ trụ tàn phá Trái đất vào cuối kỷ Devon (từ 419 đến 359 triệu năm trước).

Mô phỏng vụ nổ siêu tân tinh cuối kỷ Devon.
Mô phỏng vụ nổ siêu tân tinh cuối kỷ Devon. (Ảnh: BI).

Siêu tân tinh là vụ nổ xảy ra ở giai đoạn tiến hóa cuối cùng trong vòng đời của những ngôi sao khổng lồ. Chúng bắn ra lượng bức xạ khổng lồ. Các thảm họa trên Trái đất như phun trào núi lửa diện rộng và ấm lên toàn cầu có thể phá hủy tầng ozone, nhưng bằng chứng về hai loại sự kiện này không trùng khớp với khoảng thời gian trong nghiên cứu, theo Brian Fields, chuyên gia ở Đại học Illinois, Urbana-Champaign, Mỹ.

Thay vào đó, nhóm nghiên cứu cho rằng một hoặc nhiều vụ nổ siêu tân tinh ở cách Trái đất khoảng 65 năm ánh sáng chịu trách nhiệm cho lượng ozone giảm sút suốt thời gian dài cuối kỷ Devon. Vụ nổ siêu tân tinh có thể phá hủy Trái đất và tầng ozone trong thời gian lên tới 100.000 năm. Ngay sau vụ nổ, bức xạ cực tím, tia X và tia gamma sinh ra từ sự kiện tàn phá Trái đất. Tiếp theo, hành tinh hứng chịu những mảnh vỡ từ vụ nổ.

Bằng chứng từ hóa thạch cho thấy sự sụt giảm đa dạng sinh học trước khi kết thúc kỷ Devon diễn ra trong 300.000 năm. Điều này chỉ ra có nhiều thảm họa diễn ra, nhiều khả năng là một số vụ nổ siêu tân tinh trong đĩa thiên hà mỏng chứa Mặt Trời. Theo Jesse Miller, đồng tác giả nghiên cứu ở Đại học Illinois, Urbana-Champaign, giả thuyết trên hoàn toàn có thể xảy ra. Những ngôi sao khổng lồ thường tồn tại theo cụm và các vụ nổ siêu tân tinh khác sẽ nhanh chóng xảy ra sau vụ nổ đầu tiên.

Bằng chứng về tác động của vụ nổ siêu tân tinh trên Trái đất đến từ các mẫu đá hàng trăm triệu năm tuổi chứa bào tử thực vật với dấu vết từ môi trường bị tàn phá nặng nề và tác động của tia cực tím. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh để xác nhận giả thuyết, họ cần tiến hành thêm phân tích để phát hiện đồng vị phóng xạ plutonium-244 trong đất đá và hóa thạch từ thời kỳ diễn ra sự kiện đại tuyệt chủng bởi đây là những đồng vị không tồn tại tự nhiên trên Trái đất ngày nay. Cách duy nhất để chúng tới Trái đất là thông qua vụ nổ vũ trụ.

Cập nhật: 21/08/2020 Theo VnExpress
  • 1.725