Sự gia tăng số lượng ngựa vằn có màu lông khác thường là bằng chứng cho thấy môi trường sống phân mảnh có thể gây hại cho quần thể loài.
Ngựa vằn đặc trưng bởi bộ lông có các sọc trắng và đen đan xen nhau, nhưng trong những năm gần đây, ngày càng nhiều cá thể được sinh ra với các hoa văn khác lạ trên cơ thể như chấm bi, đốm đen lớn, hay sọc sáng màu thay cho sọc đen điển hình.
Hai cá thể ngựa vằn đột biến gene được phát hiện ở Kenya. (Ảnh: National Geographic).
Những trường hợp như vậy - thường do đột biến gene làm thay đổi quá trình sản xuất sắc tố melanin - không phổ biến ở động vật có vú. Do đó, sự gia tăng đột biến số lượng ngựa vằn có màu lông bất thường, hiện chiếm tới 5%, tại một vùng đồng bằng gần hồ Mburo của Uganda khiến các nhà khoa học phải chú ý đến và tìm hiểu nguyên nhân.
Mặc dù ít bị đe dọa nhất trong ba loài ngựa vằn, ngựa vằn đồng bằng (Equus quagga) đã suy giảm 25% số lượng kể từ năm 2002, với khoảng 500.000 con phân bố từ Ethiopia đến Nam Phi. Môi trường sống bị chia cắt do hàng rào, đường sá và sự phát triển của con người đã dồn ép các quần thể ngựa vằn, như quần thể ở hồ Mburu, vào những vùng đất nhỏ và cản trở sự di cư giữa các đàn.
Hoạt động di cư mang đến cho quần thể các gene mới, biến nó thành chìa khóa cho sự tồn tại lâu dài của một loài. Sự thiếu hụt dòng gene có thể dẫn đến hiện tượng giao phối cận huyết, cuối cùng gây ra vô sinh, bệnh tật và các khuyết tật di truyền khác.
Một con ngựa vằn khác có mảng lông sáng cắt ngang các đốm đen và trắng. (Ảnh: National Geographic).
"Việc quan sát thấy ngày càng nhiều ngựa vằn có hoa văn kỳ lạ ở hồ Mburo khiến tôi tự hỏi có phải quần thể này đang xảy ra giao phối cận huyết hay không", Brenda Larison, nhà nghiên cứu sự tiến hóa của sọc ngựa vằn tại Đại học California, Los Angeles, cho biết.
Để tìm kiếm câu trả lời, Larison cùng các cộng sự đã tiến hành phân tích gene trên 140 cá thể ngựa vằn đồng bằng - bao gồm 7 con có màu lông khác thường - từ chín địa điểm ở châu Phi, trong đó có khu bảo tồn trọng điểm như Vườn quốc gia Etosha của Nambia và Vườn quốc gia Kruger của Nam Phi.
Kết quả nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Molecular Ecology chỉ ra rằng các quần thể ngựa vằn nhỏ và biệt lập có độ đa dạng di truyền thấp hơn và nhiều khả năng sinh ra những con ngựa vằn có màu lông bất thường lớn, cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa đột biến gene với tính đa dạng di truyền thấp.
Mặc dù nghiên cứu chỉ xem xét 7 cá thể ngựa vằn đồng bằng có hoa văn kỳ lạ, Larison nhấn mạnh kết quả có thể là một lời cảnh báo cho tương lai của cả loài. "Những vấn đề di truyền như thế này thường xuất hiện trước khi điều thực sự nghiêm trọng xảy ra", nhà nghiên cứu chia sẻ.
Hầu hết ngựa vằn đột biến gene được phát hiện đều là những con chưa trưởng thành, tiết lộ rằng màu lông khác thường của chúng dễ thu hút động vật săn mồi và qua đó, làm giảm tuổi thọ trong tự nhiên.
"Hiện tượng này mới được rất ít người biết đến và nó được mệnh danh là "sự tuyệt chủng thầm lặng". Đó là lý do các nghiên cứu về ngựa vằn đột biến gene có ý nghĩa quan trọng", Philip Muruthi, Phó chủ tịch phụ trách bảo tồn loài tại Tổ chức Động vật Hoang dã Châu Phi ở Nairobi, Kenya, đánh giá cao phát hiện mới của Larison và các cộng sự.