Người đàn ông chết vì thiên thạch rơi trúng đầu

  •  
  • 1.728

Khi xem xét tài liệu trong kho lưu trữ quốc gia, nhóm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kì đã phát hiện bằng chứng về vụ tai nạn chết người do thiên thạch gây ra.

Vào ngày 22/8/1888, ở Sulaymaniyah, nay thuộc Iraq, thiên thạch rơi đã giết chết một người và làm bị thương một người khác. Đây là vụ tai nạn do thiên thạch sớm nhất từng được ghi nhận. Phát hiện này được công bố hôm 22/4 trên tạp chí Meteoritics & Planetary Science.

Từ lâu đã có nhiều câu chuyện đồn thổi về các vụ tai nạn chết người do nguyên nhân “trên trời rơi xuống”, nhưng phần lớn đều không đủ bằng chứng, thường chỉ là báo cáo văn bản hoặc một số dấu vết lịch sử. “Có thể là do bản thảo không được viết bằng tiếng Anh hoặc nội dung không đủ sức hấp dẫn với các nhà ghi chép lịch sử”, nhóm tác giả đưa ra dự đoán trong bài báo.

Đã có một số trường hợp tử vong vì bị thiên thạch rơi trúng.
Đã có một số trường hợp tử vong vì bị thiên thạch rơi trúng. (Ảnh: NASA).

Tuy nhiên, tài liệu trong kho lưu trữ quốc gia của Thổ Nhĩ Kì thì khác. “Hầu như mọi việc đều được ghi lại trong kho lưu trữ. Các sự kiện tự nhiên, vấn đề tài chính, công văn của chính quyền... Đến cả một cái hắt hơi cũng được ghi lại”, Phó Giáo sư Ozan Unsalan, làm việc tại khoa Vật lí Đại học Istanbul, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

Qua kho tài liệu phong phú này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những bức thư được chính quyền địa phương viết ngay sau khi thiên thạch rơi xuống một ngọn đồi ở Sulaymaniyah vào ngày 22/8/1888.

Báo cáo cho biết, nhiều thiên thạch đã rơi xuống mặt đất suốt khoảng 10 phút, khiến một người chết và một người thương. Người dân ở khu vực gần đó cũng nhìn thấy một quả cầu lửa rơi xuống. Tổng cộng có đến ba bức thư, được viết bằng tiếng Ottoman, mô tả sự kiện này. Vụ việc được báo cáo cho Abdul Hamid đệ nhị, vị vua hồi giáo thứ 34 của Đế chế Ottoman.

Nhóm nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm thêm bằng chứng bằng văn bản và hiện vật của sự kiện này. Unsalan nói: “Chúng tôi cần tìm thư hồi đáp của Abdul Hamid. Ngoài ra, chúng tôi rất tò mò và muốn tìm mẫu thiên thạch để gửi đến bảo tàng. Sau đó, chúng tôi sẽ phân loại mẫu đá theo tiêu chí khoa học”.

Tác giả của nghiên cứu nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục xem xét tài liệu lưu trữ để tìm kiếm báo cáo về các sự kiện khó tin khác.

Vào năm 1954, Ann Hodges, một cư dân ở miền đông Alabama (Mỹ), cũng bị thiên thạch rơi trúng nhưng thật kì diệu là hầu như không thương tích gì. Cô đang ngủ trên ghế bành ở phòng khách thì một mảnh thiên thạch có kích thước bằng quả bóng mềm, nặng khoảng 3,8 kg, xuyên thủng trần nhà và rơi trúng vào người.

Một lúc sau, hàng xóm của Ann Hodges đã có mặt để hỗ trợ, đồng thời, giới truyền thông nhanh chóng tìm đến hiện trường. Kết quả khám tại bệnh viện cho thấy cô chỉ bị một vết bầm nhẹ.

Gầy đây hơn, vào năm 2009, Gerrit Blank, một cậu bé 14 tuổi người Đức, cũng bị thiên thạch cỡ hạt đậu rơi trúng và bị thương nhẹ.

Cập nhật: 02/05/2020 Theo Zing
  • 1.728