Người già dễ ốm trong 'tháng ăn chơi'

  •  
  • 231

Tháng giêng, người cao tuổi rất dễ đau ốm, trước hết là do thời tiết đầu xuân vẫn còn rất lạnh, thứ đến là thức ăn những ngày đầu năm thường dư dả, bổ béo, gây mất cân bằng dinh dưỡng.

(Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống/VNE)

Ở nước ta tháng giêng là tháng lạnh nhất trong năm. Nhiệt độ không khí trung bình trong tháng giêng ở đồng bằng thường xuyên dưới 15 độ C, có ngày xuống dưới 5 độ C; ở vùng núi nhiệt độ còn thấp hơn, thường là 5-15 độ C. Trong điều kiện thời tiết như thế, người già rất dễ bị cảm lạnh và viêm phổi. Nếu bị cúm, bệnh thường nặng và dễ xảy ra biến chứng viêm phổi, có những diễn biến xấu khó lường. Các bệnh mạn tính như thấp khớp, viêm loét dạ dày - tá tràng, tăng huyết áp... cũng thường vượng lên; người có sẵn bệnh tăng huyết áp rất dễ bị đột quỵ.

Thức ăn trong những ngày đầu năm thường dư dả, nhiều của ngon vật lạ: nào thịt, nào giò chả, thịt đông, thịt kho tàu; nào bánh chưng, mứt, kẹo, bánh, nước uống có ga; rồi rượu ngon, cà phê, thuốc lá... Thứ nào cũng nhiều, cũng sẵn, nhà nào cũng có, bữa ăn nào cũng có mà phần lớn là các thức ăn sẵn, để nguội, rất dễ bị ôi... Nếu không làm chủ được “tình thế” thì rất dễ bị lạm dụng hoặc quá tải, làm cơ thể mệt mỏi, thậm chí sinh bệnh, nhẹ cũng gây đầy bụng, khó tiêu; nặng thì gây tiêu chảy, làm bùng phát các bệnh tiềm ẩn ở người già như tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tiểu đường.

Cuối năm, ai nấy đều bận rộn vừa lo công việc vừa lo sửa soạn cho cái Tết thường đã thấm mệt. Nền nếp sinh hoạt lại bị đảo lộn, đi chơi nhiều và tiếp khách cũng nhiều, giờ ngủ, giờ nghỉ bị xáo trộn, nhiều khi quên cả ngủ trưa. Giấc ngủ ban đêm cũng thường bị rút ngắn. Cả chuyện tập luyện hay tản bộ lâu nay với nhiều cụ đã trở thành nhu cầu thiết yếu như cơm ăn nước uống thì đến dịp Tết cũng thường bị cắt xén. Tất cả khiến người già mệt mỏi, căng thẳng...

Bảo vệ sức khỏe người già dịp đầu xuân

Thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân. Không nên đi xa, không đi chơi khuya; những ngày rét đậm, rét hại cần tránh ra ngoài trời, đặc biệt là không ra ngoài trời khi vừa uống rượu, bia... để đề phòng cảm lạnh.

Duy trì nền nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi.

Về ăn uống, nên ăn ra bữa; tránh quá bữa, bỏ bữa nhưng cũng không ăn quá nhiều bữa. Dù ngon miệng cũng chỉ nên ăn no vừa phải, nên ăn giảm khối lượng thực phẩm, chỉ nên ăn no 70-80%. Một bữa ăn quá no như stress tiêu hóa có thể gây ra những hậu quả xấu. Người có bệnh tim mạch chẳng hạn, ăn quá no sẽ làm máu dồn nhiều về dạ dày để tiêu hóa, dẫn đến thiếu máu cục bộ ở cơ tim và não bộ. Hậu quả là phát sinh các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim; hoặc mất ngủ, nhức đầu, ù tai, chóng mặt, giảm độ tập trung chú ý; thậm chí gây đột quỵ nếu có tình trạng thiểu năng tuần hoàn trước đó. Để đề phòng, không chỉ các cụ mà mọi người đều “nên để trong cái no một chút đói” như lời khuyên của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Bữa ăn của người cao tuổi nên như thế nào? Cần giảm các thức có nhiều mỡ (như thịt đông, giò mỡ...), tránh ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol (gồm các loại thịt, nhất là thịt mỡ và các phủ tạng). Nên ăn ít đường (hạn chế uống nước ngọt, ăn mứt, bánh kẹo), nhớ uống đủ nước, ăn nhiều rau quả tươi để cung cấp cho cơ thể đủ lượng chất khoáng, vitamin, nhất là các chất chống ôxy hóa mạnh như vitamin C, E, beta - caroten. Các loại rau lá xanh, rau gia vị (như hành, húng, mùi, tỏi...) và nhiều loại quả chín trong dịp Tết như cam, quýt, hồng, xoài chín, đu đủ chín, dưa hấu... đều có nhiều vitamin C và beta - caroten.

“Tửu bất khả ép”, đừng vì quá vui bạn bè hay chiều lòng con cháu mà quá chén. Tốt nhất, chỉ nên dùng rượu để khai vị; ngay cả rượu vang đỏ. Loại rượu này đã được xác nhận là có tác dụng tốt cho tuần hoàn máu, huyết áp, chống ôxy hóa, trung hòa được các gốc tự do và chống ung thư nhưng với người khỏe, các nhà khoa học Pháp cũng khuyên chỉ nên uống một ly mỗi bữa, và cũng đừng quên ăn mỗi khi uống (không uống rượu suông).

BS Bạch Thông, Sức Khỏe & Đời Sống

Theo Vnexpress
  • 231