Người hoài nghi có khả năng mắc bệnh mất trí nhớ

  •  
  • 921

(khoahoc.tv) - Những người nhìn thế giới xung quanh dưới góc độ tiêu cực có nguy cơ gia tăng sự suy giảm nhận thức về sau.

Lần đầu tiên, một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra những người hoài nghi, không tin tưởng người khác, có khả năng bị bệnh mất trí nhớ cao gấp 3 lần những người luôn tin tưởng vào người khác.

Các nhà khoa học tin rằng những người đạt được mọi thứ mà họ muốn do sự thúc đẩy bởi lòng ích kỷ, sự dối trá có khả năng tăng nguy cơ suy giảm nhận thức trong cuộc sống sau này.

Điều đó có nghĩa là cần phải kiểm tra sức khỏe kĩ lưỡng, đặc biệt là bệnh Alzheimer cho những người già hay gắt gỏng. Theo những nghiên cứu trước đây, hoài nghi có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, nhưng đây là lần đầu tiên nó được chỉ ra có mối liên hệ với bệnh mất trí nhớ.

“Các kết quả này gia tăng bằng chứng về quan điểm của con người trong cuộc sống và tính cách của họ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Anna-Maija Tolppanen đến từ Đại học Đông Phần Lan nói.

“Hiểu được đặc điểm tính cách cá nhân (như tính hoài nghi) ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ mắc bệnh mất trí giúp chúng ta có hiểu biết thấu đáo trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh mất trí”.

Người hoài nghi có khả năng mắc bệnh mất trí nhớ

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát gần 1500 người, trung bình là 71 tuổi và yêu cầu họ điền vào mẫu câu hỏi để đánh giá mức độ hoài nghi. Họ được hỏi những câu như là bạn có đồng ý với câu: “Tôi nghĩ hầu hết mọi người đều nói dối để đạt được thành công”, “Không tin tưởng ai là an toàn nhất”, “Hầu hết mọi người sẽ sử dụng lời giải thích gian dối để tăng lợi nhuận hoặc lợi thế cho bản thân mình hơn là để tuột mất nó”.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi trong 8 năm và trong suốt thời gian đó 46 người được chuẩn đoán là mất trí nhớ. Cũng trong thời gian đó, họ phát hiện ra rằng những ai có điểm số cao trong phần kiểm tra sự hoài nghi thì khả năng mắc bệnh mất trí cao gấp 3 lần người khác.

Các nhà khoa học cũng đã điều chỉnh nhân tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ như áp huyết cao, nồng độ cholesterol cao và hút thuốc lá, thì kết quả vẫn như vậy. Trong 164 người có mức độ hoài nghi cao thì 14 người bị mất trí so với 9 người trong tổng số 212 người có mức độ hoài nghi thấp. Tuy nhiên các tổ chức từ thiện cũng cảnh báo rằng, những triệu chứng của bệnh Alzheimer và bệnh mất trí có thể làm người ta hoài nghi về cuộc sống hơn.

Tiến sĩ Doug Brown, Hiệp hội Alzheimer cho hay: “Trong khi nghiên cứu này nỗ lực tạo ra sự liên kết giữa mức độ hoài nghi cao hơn và nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ, có quá ít người trong nghiên cứu thực sự bị bệnh mất trí nhớ. Vậy nên khó có thể rút ra bất kì một kết luận chắc chắn nào”.

“Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng một số người bị mất trí nhớ với triệu chứng hoang tưởng, nhầm lẫn và rối loạn tâm trạng có thể dẫn đến bị hoài nghi và hay ngờ vực”.

“Đưa ra những kiến thức sâu rộng hơn về những triệu chứng ít biết của bệnh mất trí nhớ bao gồm sự thay đổi tính cách cá nhân và sự trầm cảm sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về vấn đề này và có thể cải thiện việc điều trị, chăm sóc cũng như đưa ra sự hỗ trợ cho họ”.

Các nhà nghiên cứu không biết điều gì tạo ra mối liên hệ này. Nó có thể là do sự gia tăng hormone stress được biết đến như nhân tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ. Tác giả bài báo cáo cũng nói rằng, kết quả này cho thấy vai trò của bệnh mất trí nhớ tác động đến thái độ con người – một vấn đề mà bác sĩ có thể xem xét.

Tuy nhiên nghiên cứu này cũng không tìm ra mối liên hệ giữa tính hoài nghi và sự chết sớm. Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Neurology, tạp chí y khoa của Viện thần kinh Hoa kỳ (AAN).

Mỹ Hòa (The Telegraph)
  • 921