Nguồn năng lượng quý chờ 'đánh thức'

  •  
  • 705

Là nguồn năng lượng có khả năng tái tạo, ít gây ô nhiễm và được sử dụng phổ biến trên thế giới, song tại Việt Nam, địa nhiệt đang bị bỏ quên một cách lãng phí.

Theo các nhà khoa học, địa nhiệt xuất hiện ở độ sâu bốn km dưới lòng đất, luôn có luồng khí nóng trên 100 độ C. Ở Việt Nam, chỉ duy nhất tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đang sử dụng một phần nguồn địa nhiệt để làm lạnh.

Tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm

Các nhà khoa học cho biết, hệ thống điều hòa không khí đang được nhiều tòa nhà, công sở, hộ gia đình sử dụng hiện nay phải lấy khí trời từ nơi có nhiệt độ cao (về mùa nóng) để chuyển hóa thành nhiệt độ thấp, cung cấp không khí làm mát.

Ngược lại, về mùa lạnh, hệ thống sẽ chuyển hóa biến nhiệt từ độ không khí từ rất thấp lên nhiệt độ thích hợp để làm ấm (nhiệt độ không khí và nhiệt độ sau biến nhiệt thường dao động từ 5 – 12 độ C). Chính sự chênh lệch nhiệt độ không khí và nhiệt độ cần được điều hòa ở mức cao như vậy đã làm cho mức tiêu hao năng lượng ngày càng lớn.

Theo ước tính của TS Đoàn Văn Tuyến, Phòng Địa- vật lý, Viện Địa Chất, tiêu thụ cho điều hòa không khí ở Việt Nam hiện đã đạt 2,5 tỷ kWh. Nếu khai thác địa nhiệt bằng công nghệ bơm nhiệt đất, ít nhất cũng tiết kiệm được 1/3 lượng điện tiêu thụ trên, tương đương 0,8 tỷ kWh. Nếu tính giá điện ở mức 2.000 đồng một kWh, mỗi năm sẽ tiết kiệm được 1.600 tỷ đồng.

TS Tuyến cho biết, tại Hà Nội, tầng sâu từ 15 – 80 m dưới mặt đất có nhiệt độ ổn định quanh năm từ 25 – 27 độ C và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và nhiệt độ đang có bên ngoài. Đây được gọi là vùng trung hòa nhiệt, nơi lý tưởng để biến không khí từ lạnh, nóng thành nhiệt độ thích hợp mà không cần máy điều hòa và tiêu tốn nhiều điện năng.


Đo nhiệt độ trong giếng khoan ở ngoại vi Hà Nội. Ảnh Viện Địa chất

Phương pháp khai thác nguồn năng lượng quý giá này cũng không hề phức tạp. Chỉ cần khoan vào lòng đất tới tầng trung hòa, đưa các thiết bị để cộng hưởng không khí làm lạnh xuống đối với quy mô làm lạnh lớn. Sau đó, chỉ việc bơm ép không khí từ phía trên xuống tầng này và đưa trở lại phòng sử dụng.

Dẫn ví dụ nhiệt đất ở Hà Nội là 26 độ C, nhiệt độ không khí trung bình là 32 độ C, TS Tuyến cho hay, việc điều biến nhiệt độ phòng ở tới 26 độ C chỉ đơn giản là bơm nhiệt đất bình thường. Khi yêu cầu nhiệt độ phòng ở hoặc phòng thí nghiệm cần thấp hơn 26 độ C, sẽ phải có chế độ điều biến tương tự như hệ thống điều hòa truyền thống, song sẽ đơn giản và tiêu hao nhiên liệu ít hơn.

Còn nhiều, nhưng chưa tận dụng

Các chuyên gia phân tích, ngoài việc tiết kiệm được 1.600 tỷ đồng, việc sử dụng địa nhiệt còn giảm phát thải ít nhất 250.000 tấn CO2 mỗi năm, điều đặc biệt là nguồn năng lượng này có thể tái tạo được. Đáng chú ý, địa nhiệt không chỉ được sử dụng vào mục đích trung hòa nhiệt, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng mà còn có thể dùng cho mục đích phát điện.

Đối với công nghệ phát điện nhiệt độ thấp, công suất nhỏ, chỉ cần nhiệt độ khoảng 100 độ C. Trong khi đó, nhiều vùng, bồn địa nhiệt ở độ sâu bốn km có nhiệt độ đạt tới 160 độ C, hoàn toàn có thể xây dựng các nhà máy phát điện, Đó là chưa kể nhà máy địa nhiệt chiếm diện tích xây dựng ít hơn gần ba lần so với nhà máy nhiệt điện chạy bằng than có cùng công suất.

Theo đánh giá của PGS TSKH Nguyễn Trung Dũng, Khoa Kinh tế và quản lý tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Thuỷ lợi, tài nguyên địa nhiệt tầng sâu của Việt Nam tuy không phong phú bằng những quốc gia nằm trong vùng Địa Trung Hải, dãy Hymalaya, Đông và Tây Thái Bình Dương... song cũng thuộc loại có tiềm năng khá.

Trong đó, Tây Bắc Bộ là nơi được phát hiện có nhiều nguồn địa nhiệt nhất với 78 nguồn, Nam Trung Bộ 73 nguồn… Ngoài ra, tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, nguồn địa nhiệt không có điều kiện xuất lộ thiên, nhưng vẫn tồn tại dưới sâu và chỉ được phát hiện bởi các lỗ khoan.

Theo Báo Đất Việt
  • 705