Nguy hiểm khôn lường nếu tự ý sử dụng corticoid

  •  
  • 238

Các thuốc corticoid được ví như một con dai hai lưỡi mà lưỡi nào cũng đều rất sắc. Bên cạnh các tác dụng điều trị bệnh thì corticoid còn gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm nếu như sử dụng không đúng liều, đúng cách.

Suy tuyến thượng thận, tiểu đường, tăng huyết áp vì lạm dụng corticoid

BS Phạm Thị Lưu – cán bộ Khoa Nội tiết – Bệnh viện Bạch Mai – cho biết, tình trạng lạm dụng corticoid rất phổ biến trong số các bệnh nhân điều trị tại đơn vị. Theo khảo sát, có thời điểm, số bệnh nhân tự ý sử dụng loại thuốc này chiếm tới 50% số bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Nội tiết. Một trong những biến chứng rất nguy hiểm do thuốc gây ra là bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận do sử dụng corticoid kéo dài.

Các tác dụng phụ nguy hiểm do corticoid gây ra
Các tác dụng phụ nguy hiểm do corticoid gây ra

Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thảo – Giảng viên Khoa Dược lý - Dược lâm sàng - Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, năm 2019, nhóm nghiên cứu bộ môn Dược lâm sàng phối hợp với khoa Dược, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiến hành một khảo sát trên 827 bệnh nhân về thói quen dùng thuốc nhỏ mắt. Kết quả nghiên cứu cho thấy:

  • Hơn 18% số bệnh nhân được khảo sát cho biết đã từng sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid;
  • Gần 50% tự ý mua thuốc.
  • 96% không biết bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc nhỏ mắt có corticoid

Đây là những con số đáng báo động về tình trạng lạm dụng corticoid dạng thuốc nhỏ mắt. Ngoài ra, trong thực tế các dạng thuốc như kem, mỡ bôi da có chứa corticoid để điều trị các bệnh lý về da, hoặc lạm dụng các corticoid đường uống để điều trị các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (trong trường hợp cảm lạnh, cảm cúm) rất phổ biến.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng corticoid. Thứ nhất là thuốc corticoid có tác dụng chống viêm rất mạnh. Bệnh nhân sau khi dùng thuốc sẽ thấy triệu chứng giảm ngay, nghĩ là thuốc tốt nên rất thích dùng. Thứ hai là do người dân chưa có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng nhóm thuốc này. Đa số người bệnh mới biết về tác dụng điều trị mà chưa biết đến những tác dụng phụ của thuốc có thể gặp, kể cả khi bệnh nhân sử dụng trong thời gian ngắn. Nguyên nhân thứ 3 có lẽ là do hiện nay tại nước ta người dân có thể tự mua được các loại thuốc corticoid này một cách dễ dàng để dùng” – dược sĩ Nguyễn Thị Thảo phân tích.

Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng corticoid

Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo cho biết, corticoid là loại thuốc có tác dụng kháng viêm thường được dùng để điều trị các bệnh xương khớp, bệnh tự miễn, bệnh dị ứng ngoài da, bệnh hen phế quản và suy tuyến thượng thận. Nhóm thuốc này rất đa dạng, nhiều chủng loại và có rất nhiều tên thương mại khác nhau như: Prednison, Dexamethason, Prednisolon, K-cort, Kenacort, Medrol, Polydexa…vv…Các thuốc corticoid và có chứa thành phần corticoid được bào chế dưới nhiều dạng dùng như dạng viên (dùng đường uống), dạng hít qua miệng, dạng kem,gel, thuốc mỡ (dùng tại chỗ, dạng xịt mũi…

Thuốc corticoid thường được nhiều người coi là “thần dược” bởi có tác dụng kháng viêm, rất mạnh và nhanh chóng. Tuy nhiên việc lạm dụng loại thuốc này khá phổ biến và dẫn đến nhiều biến chứng trầm trọng cho người bệnh.


Thuốc corticoid được ví như con dao hai lưỡi

Với các chế phẩm đường uống, nếu sử dụng trong thời gian ngắn, có thể gây những khó chịu nhẹ như: thèm ăn, khó ngủ. Nếu sử dụng trong thời gian dài hơn, liều cao có thể dẫn đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng như: Thay đổi về mặt ngoại hình: khuôn mặt tròn (hội chứng Cushing) và tăng cân. Da mỏng và dễ bị bầm tím; Các vấn đề trên mắt: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp; Suy giảm hệ thống miễn dịch, người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn; Các vấn đề về tim mạch, huyết áp cao; Đường máu cao; Loãng xương; Ức chế tăng trưởng ở trẻ em. Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo/suy tuyến thượng thận.

Với các corticoid đường tại chỗ, corticoid bôi ngoài da có thể gây mỏng da, đỏ, nổi mụn vùng da điều trị. Với corticoid đường hít cũng có thể có tác dụng phụ nấm miệng, khàn tiếng nếu dùng không đúng cách.

Với những bệnh nhân có sẵn bệnh mạn tính mà lạm dụng corticoid thì có thể dẫn đến làm xấu đi tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, ví dụ như làm cho huyết áp, đường huyết của bệnh nhân tăng cao, khiến bệnh khó kiểm soát hơn.

Cũng theo dược sĩ Nguyễn Thị Thảo, khi dùng các loại corticoid, đặc biệt corticoid đường uống, để phát hiện sớm các tác dụng phụ và có biện pháp xử trí kịp thời, người bệnh nên chú ý các biểu hiện như: trong thời gian đầu, bệnh nhân sẽ thấy thèm ăn, ăn rất ngon, khó ngủ, mất ngủ. Sau đó một số dấu hiệu dễ nhận biết nhất là khuôn mặt bệnh nhân tròn lên. Những người có thân hình gầy nhưng tự dưng mặt tròn ra, bị giữ nước, cảm giác nặng mặt, lâu dài hơn sẽ có những phân bố mỡ ở vùng vai. Những u mỡ giờ gồ lên như lưng trâu và bụng to ra nhưng tay chân sẽ teo nhỏ lại, nhìn người mập ra nhưng rất mất cân đối. Ở những trường hợp nặng hơn sẽ gây ra hiện tượng tại lông - tóc - móng như nữ sẽ mọc ria mép, lông tay- lông chân mọc nhiều hơn.

Vì vậy, khi đang dùng corticoid theo đơn kê của bác sĩ (để điều trị bệnh lý), khi gặp các tác dụng phụ, tốt nhất bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ điều trị biết và không nên tự ý dừng thuốc đột ngột. Việc tự ý dừng corticoid đột ngột có thể dẫn đến tình trạng bệnh lý bị bùng phát. Hơn nữa nếu bệnh nhân đã dùng corticoid liều cao trong thời gian dài, việc ngừng thuốc đột ngột còn có thể dẫn đến tình trạng suy thượng thận cấp rất nguy hiểm.

“Corticoid có rất nhiều tác dụng phụ, một số tác dụng phụ có thể dễ nhận biết nhưng có một số tác dụng phụ tiến triển âm thầm chỉ đến khi xảy ra hậu quả người bệnh mới biết ví dụ loãng xương hay đục thủy tinh thể. Chính vì vậy, người bệnh trong quá trình điều trị corticoid theo đơn của bác sĩ cũng cần thăm khám theo lịch tái khám của bác sĩ để các bác sĩ có thể đánh giá được các tác dụng phụ và có biện pháp quản lý các tác dụng phụ này” – Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo nhấn mạnh đồng thời khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng corticoid.

Sử dụng corticoid an toàn, hợp lý

Dược sĩ Nguyễn Thị Thảo hướng dẫn, trong trường hợp, sử dụng corticoid theo đơn kê của bác sĩ thì cần có một số lưu ý sau để hạn chế tác dụng phụ của thuốc:

  • Trước khi điều trị, cần thông báo với bác sĩ tất cả những thuốc đang dùng, các tình trạng bệnh lý đang mắc. Trước khi phải điều trị corticoid dài hạn, xin tư vấn tiêm chủng để đề phòng bệnh lý nhiễm trùng có thể xảy ra trong quá trình sử dụng corticoid.
  • Trong quá trình điều trị, cần tuân thủ dùng thuốc theo đơn kê của bác sĩ (về liều lượng dùng, thời điểm dùng), không tự ý điều chỉnh đơn kê của bác sĩ
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh (gia tăng đạm, hạn chế tinh bột, đường, chất béo), hạn chế muối, bổ sung canxi.
  • Ngừng hút thuốc, hạn chế sử dụng rượu bia, tích cực luyện tập thể chất
  • Theo dõi thường xuyên dấu hiệu và triệu chứng tác dụng phụ của thuốc, báo cáo với nhân viên y tế mỗi lần thăm khám.
  • Không ngừng corticoid nếu không có sự cho phép của bác sĩ
  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh nhiễm trùng như zona, thủy đậu (nếu chưa có miễn dịch trước đó).

Kỳ lạ tập tục mẹ đưa chìa khóa nhà cho con gái rủ trai lạ đến ngủ bao nhiêu tùy thích

Đàn "siêu lợn" bùng nổ, lan khắp Canada

Sant'Antonio - Nhà máy thủy điện dưới lòng đất đầu tiên trên thế giới

Cập nhật: 12/04/2023 VOV
  • 238