Thư viện được mở tại tư gia của GS. TS Phạm Đức Dương (nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu Đông Nam Á) ở phòng 2 nhà C4, khu tập thể KHXH, ngõ 35, đường Kim Mã Thượng, Hà Nội.
Xuất phát từ những trăn trở về việc làm sao để truyền đạt kiến thức của mình đến các thế hệ học trò, ngoài việc tập trung công tác nghiên cứu, giảng dạy GS Dương đã quyết định mở thư viện ngay tại chính gia đình để phục vụ nhu cầu đọc của mọi người, nhất là sinh viên.
GS Dương và thư viện sách của mình
Nhà của GS.TS Phạm Đức Dương thoạt đầu chỉ là một căn hộ tập thể chỉ vỏn vẹn 36m2, sau đó được ông cơi nới thêm và giờ có tổng diện tích là 50m2. GS.TS Phạm Đức Dương tâm sự sau 3 năm học ở Nga ông đã tích cóp được 7 tạ sách mang về Việt Nam.
Năm 1947, GS.TS Phạm Đức Dương tham gia Đội vũ trang tuyên truyền, làm công tác chiến đấu và tuyên truyền ở Lào. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu tiếng Lào ở Viện phương Đông (Liên Xô). GS Phạm Đức Dương từng giữ chức Viện trưởng viện nghiên cứu Đông Nam Á, là người có công trong việc sáng lập ra ngành Đông Nam Á tại Việt Nam. Ông còn tham gia biên soạn 3 công trình cấp Nhà nước đó là lịch sử Lào, địa lý Lào và văn hóa Lào. |
Để có số lượng đầu sách như hiện nay, ông phải vừa xin, vừa mua, vừa được tặng từ bạn bè. Sau bao năm miệt mài tích cóp, giờ đây ông đã có trong tay kho sách (cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) bao gồm nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật, sách nông-lâm- ngư, sách y học, sách nghiên cứu chuyên sâu, sách ngoại ngữ…
Thư viện của GS.TS Phạm Đức Dương luôn rộng cửa đón sinh viên, nhà khoa học đến tìm tòi, nghiên cứu. Các bạn sinh viên đến đây không cần thẻ thư viện, không mất một khoản phí nào nhưng vẫn được đọc thoải mái, được mượn tài liệu đi photo… Có lẽ chính vì thế mà các bạn sinh viên gọi thư viện của GS Dương là “thư viện miễn phí”, “thư viện sinh viên”. Cửa thư viện nhà ông không lúc nào khóa vì bất cứ khi nào cũng có thể có người đến đọc.
Bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung, cựu SV K49, khoa Tâm lý học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho biết: “Đến thư viện nhà thầy Dương, mình có thể tìm thấy nhiều tài liệu quý mà ở ngoài rất khó tìm. Hơn nữa, gặp điều gì không hiểu, có thể hỏi thầy và được thầy giảng giải tận tình, dễ hiểu”.
Bạn Vũ Thị Hòa, sinh viên khoa Ngữ văn Anh, K07, Đại học Hà Nội chia sẻ, vì là sinh viên hệ tại chức nên không được mượn tài liệu của thư viện trường, đến thư viện nhà thầy Dương mình được tra cứu thoải mái.
Theo GS Dương, việc mở thư viện xuất phát từ niềm đam mê sách, lòng yêu học trò chứ vì mục đích kinh tế hay lợi nhuận.
Không chỉ ở những thành phố lớn mà ở nhiều vùng nông thôn cũng có những thư viện do tư nhân mở ra để phục vụ cộng đồng. Đáng kể nhất là thư viện của ông Nguyễn Xuân Tạo ở Tam Hồng- Yên Lạc- Vĩnh Phúc. Hiện thư viện của ông đã có hơn 13.000 đầu sách, chưa kể hàng chục đầu báo và tạp chí khác. Thư viện của ông có đủ các thể loại sách như khuyến nông, sách khoa học, sách thiếu nhi phục vụ đa dạng bạn đọc là nông dân, học sinh, công nhân, trí thức.
Hay thư viện của ông Lương Văn Tăng ở Văn Bình- Thường Tín- Hà Nội, là một thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu, đã mở một thư viện làng với hơn 6000 đầu sách báo và tạp chí các loại để phục vụ người dân quê mình