Fredrik Lanner - một nhà khoa học Thụy Điển trong tuần qua đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi khi can thiệp vào thông tin di truyền của một phôi thai con người khỏe mạnh. Từ trước đến nay, dù ứng dụng công nghệ chỉnh sửa để tạo ra những giống cây trồng biến đổi gene hay động vật kháng bệnh, các nhà khoa học luôn phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt. Nghiêm trọng hơn, việc chỉnh sửa ADN ở con người trong phôi nếu không may có thể tạo ra một căn bệnh di truyền nghiêm trọng, và lây lan từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đây là mối quan tâm hàng đầu của các nhà di truyền học cũng như đạo đức học trong vài năm trở lại đây, khi công nghệ CRISPR dần trở nên phổ biến. CRISPR-Cas9 cũng chính là kỹ thuật mà ông Lanner sử dụng trong nghiên cứu của mình. CRISPR về cơ bản hoạt động như một con dao ở cấp độ phân tử, có thể tác động đến hệ gen và thay đổi ADN của bạn, một cách cực kỳ chính xác.
Lanner hiện đang làm việc tại Viện Karolinska ở Stockholm (thủ đô của Thụy Điển), và đã tiến hành chỉnh sửa gene trong phôi thai người, để theo dõi quá trình phát triển của phôi trong giai đoạn đầu. Yếu tố mà ông đặc biệt nhắm đến chính là các gene đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một phôi thai bình thường, nhằm có thêm hiểu biết về các vấn đề như vô sinh, sẩy thai, tế bào gốc và tìm ra nguyên nhân của sự suy nhược.
"Nếu chúng ta có thể hiểu làm thế nào các tế bào ban đầu này được quy định trong phôi thực tế, điều đó sẽ giúp ích cho chúng ta trong việc điều trị bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, Parkinson, hoặc các loại bệnh khác trong tương lai", ông Lanner cho biết. Được biết, không một phôi thai nào được phép phát triển vượt quá thời gian 2 tuần. "Không có CRISPR, chúng tôi sẽ không thể thực hiện điều này trong phôi thai con người", Lanner nói.
Fredrik Lanner (phải) tại Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển) và học sinh của mình - Alvaro Plaza Reyes, đang phân tích hình ảnh phóng đại của một phôi thai con người. Họ hy vọng có thể tạo ra một phôi thai người khỏe mạnh nhờ kỹ thuật biến đổi gene.
Chỉnh sửa gene ở một phôi thai khỏe mạnh được xem là một bước tiến lớn, khi công nghệ kiểu như vậy có thể thay đổi vĩnh viễn bộ gene người. Kỹ thuật này cho phép chúng ta loại bỏ các bệnh di truyền gây chết người, và về mặt lý thuyết, nó cũng có thể được sử dụng để thiết kế trẻ em theo các đặc điểm như mong muốn. Dù không có kế hoạch cấy ghép phôi thai được chỉnh sửa vào tử cung của người mẹ, tuy nhiên, nếu nghiên cứu của ông Lanner cho thấy tính khả thi trong việc chỉnh sửa chính xác gen của người trong phôi thai khỏe mạnh, người ta có thể sử dụng công cụ này để chỉnh sửa và cấy ghép phôi trong tương lai.
Xoay quanh vấn đề này, tháng 12/2015, các nhà nghiên cứu đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế để bàn về việc áp dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene lên con người. Sau hội nghị, kết luận được đưa ra là công nghệ này không được phép sử dụng để thay đổi gen của phôi sắp sửa bước vào thời kỳ mang thai. Ngoài ra, các nhà khoa học còn cho rằng sẽ thật "vô trách nhiệm" nếu tiến hành chỉnh sửa gen trên các dòng mầm (những thay đổi có thể được truyền lại cho các thế hệ sau), cho đến khi chúng ta có nhiều thông tin hơn về sự an toàn và các vấn đề về đạo đức.
Tuy nhiên, các thành viên tại hội nghị thượng đỉnh cũng nói rằng những nghiên cứu cơ bản sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene ở con người, bao gồm nghiên cứu của Lanner, là điều có thể chấp nhận được. Trong khi đó, những nhà nghiên cứu khác, chẳng hạn như một đội ngũ các chuyên gia ở Anh, đã được cấp phép để sử dụng công cụ CRISPR để can thiệp vào phôi thai con người trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Nghiên cứu này cũng sẽ được thực hiện trên phôi người khỏe mạnh, nhưng phôi đó sẽ không được tồn tại quá 7 ngày nhằm đảo bảo các tiêu chuẩn về đạo đức.