Chị Đào Thị Xuân Hương, nông dân tỉnh Phú Yên gắn bó với việc nhà nông không chỉ ở mảnh vườn, ruộng lúa, mà nay còn ở phòng thí nghiệm. Những đầu tư khoa học đã giúp chị làm được một việc mà lâu nay hiếm nông dân nào dám nghĩ. Đó là sản xuất meo giống nấm rơm ngay tại điều kiện thời tiết miền Trung.
Chị Đào Thị Xuân Hương là một nông dân có hơn 10 năm làm nghề trồng nấm. Nhưng giờ đây, bàn tay chị đã quen cả bàn phím vi tính, chương trình tính toán thống kê, và danh sách những bạn hàng của chị. Có hộ chỉ trong 6 tháng đã thu hàng chục triệu đồng từ trồng nấm. Họ đều lấy nguồn meo giống làm nấm của chị.
Chuyện làm nấm rơm chẳng có gì mới ở vùng nông thôn. Rơm rạ tưởng như bỏ đi biến thành mặt hàng nấm có giá trị. Người ta gọi chúng là thịt sạch. Ở các tỉnh miền Trung, nhiều nông dân lựa chọn làm nấm để giải quyết lao động nông nhàn, vừa tận dụng phụ phẩm nông nghiệp.
Từ Phú Yên, chị Đào Thị Xuân Hương đã bỏ tiền ra tận Hà Nội để học hỏi các nhà khoa học cách làm meo giống trồng nấm. Hai năm đầu thất bại, đến năm 2004, chị đã thành công. Đến nay, chị lập ra Hợp tác xã kinh doanh nấm, mỗi tuần cung ứng cho nông dân khoảng 1,2 tấn bịch giống.
Chị Hương cho biết, sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong nghề làm nấm, đó là thị trường ổn định, đó là những đầu tư chiều sâu cho công việc này… Nhưng, những đóng góp của chị Hương đã giúp cho nhiều nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, có thêm thu nhập. Điều quan trọng hơn, sự tìm tòi, nghiên cứu của chị Hương đã chứng tỏ một điều: Nhà nông cũng có thể làm khoa học.