Niềm say mê nghiên cứu khoa học ở anh đã xuất hiện từ nhỏ. Từ lúc còn học cấp 2, anh đã có những ý tưởng táo bạo như nghiên cứu ra súng từ trường, chế tạo kim cương nhân tạo, làm ra động cơ vĩnh cửu... Anh là Trần Đình Thuy - giáo viên dạy môn sử của Trường THCS Vinh Quang, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum
Trần Đình Thuy sinh năm 1972, quê gốc ở Thái Bình, theo bố mẹ vào Tây Nguyên lập nghiệp từ sau 1975. Năm 1996, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh theo học khoa sử tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và nhận công tác tại Trường THCS Vinh Quang (thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Mặc dù là một giáo viên thuộc khoa học xã hội, song Trần Đình Thuy lại có niềm đam mê nghiên cứu khoa học tự nhiên.
Người nghiện nghiên cứu
Gặp bất kỳ một hiện tượng lạ hay một cuốn sách giới thiệu về một thiết bị cơ-điện mới nào..., Trần Đình Thuy lại đọc ngấu nghiến không kể ngày đêm. Thuy bảo, vì là dân “ngoại đạo” nên có nhiều tài liệu phải đọc lui tới trên chục lần anh mới hiểu được nguyên lý cơ bản của máy. Nhiều lúc xuống phố mua hàng cùng vợ, Thuy đã đứng hàng giờ trước một chiếc máy bơm nước chỉ để làm mỗi một việc là... ngắm. Vợ anh, chị Trần Thị Phương, cùng là giáo viên dạy sử Trường Trung học Chuyên Kon Tum, cho biết: “Anh ấy nghiện khoa học nhiều lúc bỏ cả cơm nước!”. Chị kể, năm 2001 khi mới cưới nhau, để mừng sinh nhật vợ nhưng nhà lại không có tiền, Thuy đã tự mày mò chế tạo ra một cái “bình đun nước nóng” bằng năng lượng mặt trời. Đây là sản phẩm đầu tiên trong nhiều sản phẩm sáng tạo sau này của Thuy hiện đang được gia đình anh sử dụng với hiệu quả tốt.
Từ thành công ban đầu, được sự động viên giúp đỡ của bạn bè cả về vật chất lẫn tinh thần, Trần Đình Thuy đã ngày đêm miệt mài với việc nghiên cứu khoa học của mình. Với 3 công trình lớn mà anh đã theo đuổi từ lúc còn học cấp 2 ở quê, đến nay đã có 2 công trình đành phải ngừng, vì trên thế giới đã trở thành hiện thực là ra súng từ trường và kim cương nhân tạo; còn công trình chế tạo ra động cơ vĩnh cửu hiện anh vẫn tiếp tục nghiên cứu, trên cơ sở đã viết xong phần lý thuyết. Điểm đặc biệt ở động cơ vĩnh cửu của anh Thuy là chọn quá trình tuần hoàn nhiệt làm “điểm”, quyết định sự thành bại của động cơ này. Ngoài ra, Trần Đình Thuy đã viết xong phần lý thuyết của trên 10 sản phẩm khoa học như: máy chưng cất nước tuần hoàn nhiệt; tua bin thủy lực (các chủng loại), bình nước đa chức năng, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời đun nước...
Chế tạo thành công nhiều sản phẩm
Hiện tại, có 3 sản phẩm lý thuyết đã được Trần Đình Thuy thử nghiệm thành công là tua-bin thủy lực; ấm nước mặt trời (đã được đăng ký bản quyền của Cục Sở hữu trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ); bình nước nóng năng lượng mặt trời (đã được đưa vào dùng thử nghiệm ở 20 hộ gia đình thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai cho hiệu quả cao, giá thành hạ chỉ bằng chưa đầy 1/2 giá thị trường).
Ưu điểm lớn nhất của bình nước nóng năng lượng mặt trời của anh Thuy là máy đặt cao hơn bồn chứa nước, rất phù hợp với những ngôi nhà có mái yếu, không đủ sức nâng bồn chứa nước, giảm chi phí cho người sử dụng từ 1 triệu đến 3 triệu đồng do phải làm giá đỡ bồn nước riêng biệt.
Anh Trần Đình Thuy giới thiệu sản phẩm máy năng lượng được đặt ngay trên miệng giếng |