Nhà thám hiểm lừng danh đã gieo rắc bệnh tật?

  •  
  • 4.704

Nếu lịch sử thế giới vinh danh Christopher Columbus như nhà thám hiểm vĩ đại nhất mọi thời đại, thì y học thế giới lại đưa tên ông vào danh sách nghi vấn là một trong những người đầu tiên mang mầm bệnh giang mai nguy hiểm từ châu Mỹ về gieo rắc khắp châu Âu, gây ra đại dịch khủng khiếp giết chết hàng chục ngàn người ở Cựu thế giới thời Trung cổ.

Bệnh tật theo chân nhà thám hiểm

Christopher Columbus được xếp vào danh sách những nhân vật lịch sử huyền bí nhất có lẽ bởi nhiều lý do. Trong suốt hơn 500 năm qua, người ta không chỉ tranh cãi về nguồn gốc xuất thân, cái chết và mộ chí của ông mà còn tranh cãi về công cũng như tội của nhà thám hiểm tài ba được cho là đã phát hiện ra châu Mỹ vào năm 1492 này.

Theo những ghi chép trong lịch sử, sau lần đầu tiên đặt chân lên châu Mỹ, nhà thám hiểm Christopher Columbus còn có thêm ít nhất 3 lần nữa cùng với đoàn thủy thủ của mình trở lại vùng đất này. Nhiều nhà dịch tễ học và nhân chủng học hàng đầu thế giới cho rằng, chính sự gặp gỡ, giao lưu giữa những nhà thám hiểm và thủy thủ đến từ châu Âu với những người dân ở châu Mỹ trong khoảng thời gian này đã dẫn đến sự xuất hiện những bệnh dịch khủng khiếp lần đầu tiên xảy ra với người dân bản xứ. Đơn cử như, một nửa dân số người Hispaniola đã bị chết vì bệnh đậu mùa vào năm 1518. Bệnh đậu mùa cũng tàn phá Mexico vào những năm 1520 (chỉ riêng người Tenochtitlan đã có hơn 150.000 người chết, gồm cả quốc vương). Căn bệnh này cũng xuất hiện lần đầu tiên tại Peru vào những năm 1530. Bệnh sởi đã giết chết hơn hai triệu dân bản xứ Mexico vào những năm 1600... Các vụ dịch lớn đều diễn ra sau khi có sự "đổ bộ" của các nhà thám hiểm đến từ châu Âu ít lâu. Điều đó khiến cho dân bản xứ ở khu vực Tân thế giới có lý do để buộc tội những nhà thám hiểm châu Âu và những cuộc chinh phục đã gieo rắc bệnh tật đến cho Tân thế giới, thậm chí còn làm cho các bộ lạc da đỏ rơi vào tuyệt chủng bởi bệnh tật (90% dân da đỏ đã bị chết vì bệnh tật khi hai sắc dân va chạm với nhau, chưa kể những cuộc xung đột vũ trang).

Theo lý giải của các nhà dịch tễ và nhân chủng học thì qua nhiều thế kỷ, người châu Âu đã đạt được sự miễn dịch cao đối với loại bệnh tật như đậu mùa, dịch hạch, sởi... trong khi người dân bản xứ châu Mỹ không có khả năng như vậy. Khi có sự tiếp xúc trong điều kiện thuận lợi và sự miễn dịch kém, các mầm bệnh đã lan truyền ngay lập tức và phát triển mạnh mẽ, gây nên các đại dịch tàn sát dân bản địa tại Tân thế giới.

Tương tự như vậy, cũng bằng cách này, chính các nhà thám hiểm lại là những người đầu tiên mang các vi khuẩn nhiệt đới và một số bệnh lây qua đường tình dục về châu Âu, trong đó, đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn tả và bệnh giang mai. Christopher Columbus và các thuỷ thủ của ông là những đối tượng đầu tiên bị nghi ngờ đã đem căn bệnh giang mai từ châu Mỹ về châu Âu ngay từ sau chuyến thám hiểm thành công lần đầu tiên, khiến cho sau đó căn bệnh này lan tràn ở châu Âu thành một đại dịch, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Christopher Columbus.

Bằng chứng kết tội Columbus

Cho đến nay đã có nhiều bằng chứng có giá trị khẳng định cao đối với nghi ngờ trên. Nhóm nghiên cứu do nhà cổ sinh vật Bruce Rothschild thuộc Trung tâm khớp ở Đông Bắc bang Ohio đứng đầu đã kiểm tra 688 bộ xương được chôn tại các nghĩa địa trên toàn Italia. Chúng có từ thời kỳ đồ đồng cho tới trận dịch hạch vào các năm 1485-1486. Những bộ xương trên được kiểm tra để tìm kiếm các dấu vết ở xương đặc trưng cho viêm khớp, bệnh gút, và khuẩn xoắn Treponema pallidum - sinh vật gây bệnh giang mai. Khuẩn xoắn Treponema pallidum lan truyền chủ yếu qua đường tình dục, triệu chứng ban đầu của bệnh là đau nhức sau đó phát ban, sốt và cuối cùng có thể gây ra mù, liệt và mất trí nhớ. Bệnh để lại sẹo và làm biến dạng xương.

Kết quả cho thấy, không một bộ xương nào ở Italia có dấu hiệu của bệnh giang mai. Bruce Rothschild cho biết: "Trước thời Columbus, Italia giống như một trinh nữ. Viêm khớp và giang mai không tồn tại". Kết quả nghiên cứu ủng hộ quan điểm rằng đây là những căn bệnh bắt nguồn từ Tân thế giới. Vậy thì không có lý do gì để không nghi ngờ rằng Columbus và thủy thủ của ông đã bị nhiễm giang mai ở Tân thế giới (châu Mỹ) và sau khi trở về từ Tân thế giới đã phát tán dịch bệnh ở châu Âu.

Nghiên cứu này được các tạp chí chuyên ngành của Mỹ công bố hồi tháng 1/2008, nó đã làm sống lại cuộc tranh luận kéo dài nhiều thập kỷ về nguồn gốc của căn bệnh giang mai, đồng thời cũng đưa ra một bằng chứng thuyết phục nhất từ trước tới nay liên quan tới giả thuyết nhà thám hiểm đầu tiên khám phá ra châu Mỹ đã đem bệnh giang mai vào châu Âu. Kết quả của cuộc nghiên cứu cũng phù hợp với các khẳng định trước đây của giới khoa học rằng: Không có bất kỳ một bằng chứng nào về sự tồn tại của căn bệnh giang mai ở Cựu thế giới (châu Âu, châu Á và châu Phi) trước thời Columbus. Trong khi đó với 687 bộ xương có niên đại từ 400-2.000 năm thuộc 8 dân tộc khác nhau ở Tân thế giới mà Rothschild kiểm tra thì dấu hiệu giang mai tồn tại ở nhiều bộ xương có niên đại ít nhất 800 năm. Điều này chứng tỏ bệnh giang mai đã có mặt ở châu Mỹ sớm hơn rất nhiều so với thời điểm nó xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu.

Một nghiên cứu khác về di truyền học của tiền sử bệnh giang mai do các nhà sinh vật học thuộc Đại học Emory ở Atlanta tiến hành trước đó cũng đã buộc tội người tìm ra châu Mỹ Christopher Columbus. Phân tích cấu trúc gen cây gia hệ của bệnh giang mai cho thấy, họ hàng gần nhất của căn bệnh lây nhiễm này là một loại bệnh xuất hiện ở Nam Mỹ gây ra hiện tượng ghẻ cóc và lây nhiễm do một loại virut tương tự! TS. Kristin Harper, thành viên của nhóm nghiên cứu này cho biết: "Điều mà chúng tôi phát hiện ra là có sự lây nhiễm từ Tân thế giới sang Cựu thế giới và sự lây nhiễm này mới chỉ xảy ra gần đây trong lịch sử loài người". Kết hợp với dữ kiện đại dịch giang mai đầu tiên trong lịch sử châu Âu bắt đầu vào giữa thế kỷ 15 - trùng với thời điểm Christopher Columbus và đoàn thám hiểm của ông trở về trong vinh quang năm 1495, ta đã có thêm bằng chứng để khẳng định giả thuyết Columbus và các thành viên đoàn thuỷ thủ của ông là những người vừa có công lớn vừa có tội to!

Theo SK & ĐS (Discovery)
  • 4.704