Ảo danh và cú lừa 40 năm - Những vụ lừa dối trong khoa học (Kỳ 1)

  •   3,34
  • 2.892

Người Hàn Quốc biểu tình chống quyết định của ĐH Quốc gia Seoul. Nhiều người vẫn tin vào tài năng khoa học của ông Hwang như dòng chữ trên lá cờ ghi rõ: "Hãy đưa Hwang Woo Suk trở về phòng nghiên cứu" - Ảnh: Reuters

Những gian dối này trong khoa học cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích đích xác. Âu đó cũng là chuyện thú vị.
 
Ảo danh của Hwang Woo Suk

Đến ngày 22-3 vừa qua, sau mọi suy xét và điều tra kỹ lưỡng, Trường đại học Quốc gia Seoul của Hàn Quốc đã buộc phải ký một quyết định quan trọng nữa: tước danh vị “nhà khoa học tối cao” của giáo sư Hwang Woo Suk, người mà trường cũng vừa loại khỏi ban giảng dạy của mình. Nói tóm lại, ông Hwang đã mất tất cả, từ thanh danh cho đến công việc, tiền bạc.

Đó là một chuyện không thể ngờ vì trước đó người Hàn Quốc dám tự tin ông là một ứng viên tương lai của giải Nobel, đem về danh dự tầm cỡ thế giới cho người dân Hàn sau nhiều năm tháng phấn đấu để lớn mạnh về kinh tế. Để đầu tư cho ông, chính phủ không ngần ngại chi đến 600.000 USD mỗi năm và hãng hàng không quốc gia còn tặng vé miễn phí cho ông cả đời. Nay thì ông thậm chí còn nằm trong vòng điều tra về khả năng tư túi tiền của nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học.

Vốn là một bác sĩ thú y, ông Hwang đã nhanh chóng được biết đến khi tuyên bố nhân bản thành công chó Snoopy (giống Afghanistan). Nhưng danh tiếng của ông nổi như cồn khắp thế giới sau hai bài báo đăng trên tờ tạp chí khoa học danh tiếng Science trong hai năm 2004 và 2005: ông Hwang giới thiệu với cộng đồng nghiên cứu 11 dòng tế bào gốc nhân bản được từ tế bào phôi người. Đây là một thành công tạo hi vọng cho nghiên cứu y học vì những dòng tế bào gốc này sẽ được dùng chữa trị những căn bệnh nan y như bại liệt hoặc suy giảm di truyền.

Nhưng cây kim trong bọc đã nhanh chóng lòi ra. Ngày 10-11-2005, Roh Il Sung, một đồng tác giả bài báo, nhìn nhận đã trả tiền mua noãn của 18 phụ nữ để dùng cho nghiên cứu khoa học. Chuyện này không phải là bất hợp pháp nhưng bước đầu gây ngờ vực về đạo đức của nhóm nghiên cứu của giáo sư Hwang. Hai tuần sau, ông Hwang thừa nhận sự vụ và nộp đơn từ chức trưởng nhóm nghiên cứu.

Mọi việc không dừng lại được nữa. Đầu tháng 12-2005, một email không ký tên bắn lên diễn đàn mạng của Trung tâm Thông tin về nghiên cứu sinh học Hàn Quốc cho biết kết quả những xét nghiệm ADN của các dòng tế bào gốc của nhóm ông Hwang giống một cách quá hoàn hảo với các tế bào nguồn. Trong một họp báo sau đó, ông Hwang thừa nhận đã có những sai lầm. Mọi chuyện rối tung sau đó với những tiết lộ mới. Lại Roh Il Sung khẳng định với Đài NBC của Hàn Quốc rằng bài báo thứ hai của họ đã có gian dối: chỉ có năm dòng tế bào được tạo ra chứ không phải là 11.

Ông Hwang không còn cách nào khác phải xin lỗi dân chúng và chính phủ nhưng tiếp tục kêu oan: ông không hay biết chuyện gian dối này. Nhưng đến lúc này thì mọi chuyện đã trở nên quá tệ. Tạp chí Science rút lại hai bài báo đã đăng với sự đồng ý của các tác giả (bài đầu có 15 người đồng ký tên và bài sau những 25 người). Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố rút lại hỗ trợ tài chính và mở ngay hai cuộc điều tra độc lập (một của bên tư pháp và một của ĐH Seoul, nơi ông Hwang giảng dạy).

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc phải nhận trách nhiệm thiếu kiểm tra kiểm soát, quá tin tưởng vào ông Hwang và phải từ chức. Phe đối lập ở Hàn Quốc nhân vụ này làm ầm ĩ đòi chính phủ phải tìm cách thu hồi tiền dân đóng thuế chi xài vô độ cho những việc nghiên cứu giả mạo. Cũng nhờ đó người dân mới biết nhóm của ông Hwang đã được nhận tài trợ những 40 triệu USD!

Vụ xìcăngđan nhân bản của ông Hwang thật sự làm bàng hoàng tất thảy mọi người dân Hàn Quốc. Nhưng đau đớn hơn là cho đến giờ họ vẫn chưa hiểu vì lý do gì ông Hwang đã dám làm những chuyện xằng bậy đó để tiền đóng thuế của dân tan thành mây khói. Nhiều ý kiến tạm cho rằng ông Hwang đã quá háo danh và không dừng lại được trước những lời xưng tụng.

Vụ sọ người ở Piltdown 

Hộp sọ Piltdown được dựng lại

Đây là một vụ “mà mắt” mọi người kéo dài cả 40 năm. Người ta không dám phản biện lại phát hiện chỉ vì người chủ trì có uy danh quá lớn. Vụ việc bắt đầu ngày 18-12-1912. Luật sư Charles Dawson, cũng là một nhà địa chất học nghiệp dư đứng chung “liên danh” với nhà cổ sinh vật học lừng danh Arthur Smith Woodward, chủ tịch Hội Địa chất học London (Anh), tuyên bố với toàn thế giới về phát hiện quan trọng của họ: sọ người cổ nhất thế giới, mắt xích còn chưa được biết đến trong sự chuyển hóa từ vượn thành người.

Đối với người Anh đó là một sự trả thù ngọt ngào, vì cho đến giờ các nhà khoa học Pháp đã khẳng định tên tuổi với phát hiện về người Neanderthal và người Cro-Magnon.

Ngay lập tức những nhà khoa học tên tuổi trong giới và cả du khách đổ xô đến ngôi làng nhỏ Piltdown nơi Dawson và Woodward phát hiện thấy cái hộp sọ và xương hàm còn dính hai chiếc răng. Vào thời đó người ta xác định tuổi xương hóa thạch dựa theo tuổi địa chất của khu vực phát hiện nó. Dawson lập luận rằng ông ta tìm thấy ở khu vực đó những xương hóa thạch khác như răng hà mã và răng voi có từ cuối kỷ băng giá nên hộp sọ kia cũng có niên đại như vậy và suy ra nó cổ hơn người Neanderthal những 500.000 năm.

Một số người ngờ vực về phát hiện và suy diễn quá giản đơn đó nhưng e ngại uy danh của Woodward nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Thời gian trôi đi, người ta phát hiện thêm nhiều xương hóa thạch ở khu vực này và với những cách xác định tuổi hiện đại, người ta thấy rằng nó không thích ứng với tuổi từng được công bố của “hộp sọ Piltdown”.

Mãi đến năm 1949, một năm sau khi Woodward qua đời, tiến sĩ Kenneth Oakley, thành viên của Bảo tàng Anh, mới dám lấy hộp sọ Piltdown ra xác định tuổi theo cách đo mức fluor. Kết quả: xương hóa thạch lưu giữ như một niềm tự hào trong Bảo tàng Anh không quá cổ xưa như người ta nghĩ.

Xem xét kỹ hơn, người ta phát hiện nó đã bị sơn phết lên với lớp bichromat kali để cho mang màu thời gian. Đáng sợ hơn: phần xương hàm là của một con khỉ và mấy chiếc răng đã bị mài theo chủ ý như bị mòn do nhai. Hộp sọ là của con người hiện đại và những thứ xương hóa thạch được cho là tìm thấy ở Piltdown thật ra được mang đến từ Malta và Tunisia!

Ngày 21-11-1953, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Anh phải công nhận trong bản tin của mình rằng “hộp sọ người Piltdown” là một vụ lừa đảo. Cách xác định tuổi bằng cácbon 14 vào năm 1959 đã chấm hết mọi ngờ vực: hộp sọ là của người thời trung cổ và xương hàm thì chỉ khoảng 500 năm.

Ai đã dàn dựng vụ lừa đảo chấn động đó? Cả Dawson lẫn Woodward đều không còn để trả lời câu hỏi đó. Woodward dường như vô can vì ông ta chỉ cả tin đứng trong “liên danh” để đóng dấu cho “phát hiện” của Dawson.

Có nhiều người tiếp tục giải mã vụ này và đưa ra những giả thiết chưa có câu trả lời. Có người cho rằng thủ phạm là Grafton Elliot Smith, một nhà giải phẫu học người Úc có dính dáng vào các nghiên cứu; có người chỉ ra William Ruskin Butterfield, nhà bảo tồn của Bảo tàng Hastings muốn trả thù Dawson…

Nhưng giả thiết nghiêm túc nhất có lẽ thiên về thủ phạm Teilhard de Chardin, một thầy tu dòng Tên trẻ tuổi. Ông này lúc đó muốn trêu ghẹo người bạn Charles Dawson của mình vì đam mê quá độ với những xương hóa thạch. Khi thấy sự việc mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế rồi thì anh ta không dám thú nhận.

Nhưng nói chung đó vẫn là giả thiết.

NGUYỄN QUÂN tổng hợp

Không ít người vẫn còn tin rằng địa cầu của chúng ta đang phình ra vì nhiều lý do khó giải thích khác nhau. Và những dấu hỏi chưa lời giải đáp về chuyện “trí nhớ của nước”.

Kỳ tới:
Địa cầu phình lên như quả bóng

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 3,34
  • 2.892