Nhà thiên văn học người Anh chụp cận cảnh được “rắn Mặt Trời”

  •   2,73
  • 4.499

Nhờ một loại kính viễn vọng đặc biệt trị giá hàng ngàn USD, một nhà thiên văn học người Anh đã chụp được những bức ảnh siêu nét, vô cùng ấn tượng về “rắn Mặt trời” hình thành trên bề mặt thiên thể nằm cách Trái đất gần 150 triệu km, từ ngay trong vườn nhà mình.

"Rắn Mặt trời" sinh ra từ một cơn bùng nổ vật chất trên bề mặt Mặt trời
"Rắn Mặt trời" sinh ra từ một cơn bùng nổ vật chất trên bề mặt thiên thể nằm cách Trái đất gần 150 triệu km. (Ảnh: Paul Andrews/Solent News)

Chùm ảnh của tác giả - nhà thiên văn học Anh Paul Andrews - cho thấy bề mặt của Mặt trời chi tiết đến đáng kinh ngạc. Chúng được miêu tả là có độ nét sánh ngang với bất kỳ bức ảnh nào được chụp ở những trạm quan sát thiên văn tốt nhất trên thế giới.

Ảnh chi tiết bề mặt Mặt Trời với một vài con "rắn" ngoằn nghoèo.
Ảnh chụp qua kính thiên văn của ông Andrews cho thấy chi tiết bề mặt Mặt Trời với một vài con "rắn" ngoằn nghoèo. (Ảnh: Paul Andrews/Solent News).

Kính viễn vọng của ông Andrews được trang bị các ống kính có đường kính khoảng 15 cm, có khả năng lọc bỏ những tia gây hại từ Mặt trời. Các bức ảnh chụp qua kính viễn vọng này khắc họa những dải khí hydro móc dính ngoằn nghèo như những con rắn đang ngóc dậy trên bề mặt Mặt trời trong một trận bùng nổ vật chất.

Dải khí hydro phun trào trong một cơn bùng nổ trên bề mặt Mặt trời.
"Rắn Mặt Trời" thực chất là dải khí hydro phun trào trong một cơn bùng nổ trên bề mặt Mặt trời. (Ảnh: Paul Andrews/Solent News).

Ảnh do nhà thiên văn Andrews chụp qua kính viễn vọng ở vườn nhà
Ảnh do nhà thiên văn Andrews chụp qua kính viễn vọng ở vườn nhà được miêu tả là có độ nét sánh ngang với bất kỳ bức ảnh nào được chụp ở những trạm quan sát thiên văn tốt nhất trên thế giới. (Ảnh: Paul Andrews/Solent News).

Ông Andrews – người sáng lập, chủ tịch hội thiên văn địa phương và cũng là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – cho biết trên trang Daily Mail: “Kính thiên văn càng lớn, nó càng cho thấy các chi tiết rõ ràng tuyệt vời hơn… Tôi đã cố gắng dậy càng sớm càng tốt vào buổi sáng và chụp ảnh vào lúc khoảng 9 giờ. Khi ngày càng sáng rõ, khí quyển Trái đất trở nên vô cùng hỗ loạn và bạn có thể bị giảm chất lượng ảnh chụp Mặt trời. Các bức ảnh chụp vào sáng sớm có xu hướng sáng rõ và sắc nét hơn”.

Cập nhật: 03/02/2021 Theo Tuấn Anh/Vietnamnet
  • 2,73
  • 4.499