Những chiếc xương từ hơn 40.000 bộ hài cốt của người chết do bệch dịch hạch và chiến tranh hiện diện ở mọi ngóc ngách trong nhà thờ Sedlec Ossuary ở Cộng hòa Czech.
Theo BBC, mọi góc trong nhà thờ Sedlec Ossuary ở Cộng hòa Czech đều được trang trí bằng những chiếc xương, từ lối vào, đài hoa đến những ngọn đèn treo. Do đó, nơi đây còn có tên gọi là "Nhà thờ xương".
Nhà thờ Sedlec Ossuary chứa hơn 40.000 bộ hài cốt. (Ảnh: Wikipedia).
Năm 1278, một trưởng tu viện đến từ Sedlec, thị trấn cách Prague 80km về hướng đông, hành hương tới Jerusalem và mang về một ít đất từ nơi chúa Jesus bị đóng đinh. Khi trở về, ông rải đất dọc theo nghĩa trang của nhà thờ địa phương. Khi lời đồn về đất thánh truyền đi khắp xứ, nghĩa trang trở thành một trong những nơi chôn cất được ưa chuộng nhất trong khu vực.
Trong suốt thế kỷ 14, khi đại dịch Cái chết Đen có nguyên nhân từ bệnh dịch hạch càn quét khắp châu Âu, gần 30.000 nạn nhân ở Trung Âu được chôn cất tại đây. Cuộc chiến Hussite, một chuỗi chiến dịch vận động kéo dài từ năm 1419 đến 1434 nhằm chống lại các nhà cải cách ở Bohemia cũng tàn phá Sedlec và thành phố Kutná Hora ở lân cận. Những vụ tấn công khiến hơn 10.000 người chết và tất cả đều an nghỉ tại nghĩa trang Sedlec.
Nhà thờ Sedlec Ossuary nhìn từ bên ngoài. (Ảnh: Wikipedia).
Vào thế kỷ 15, nhiều bộ xương được khai quật để làm chỗ xây nhà thờ theo phong cách Gothic. Chúng được xếp chồng thành hình kim tự tháp ở một tầng hầm nằm bên dưới nhà thờ và giữ nguyên hiện trạng cho đến năm 1870, khi một thợ khắc gỗ địa phương được thuê tới để tạo những hình khối trang trí từ các bộ xương.