Nhạc số tương lai sẽ không hạn chế thiết bị nghe?

  •  
  • 138

Có thể sẽ còn rất lâu nữa người yêu nhạc mới được sống trong một “thế giới” tự do mua và thưởng thức nhạc của iTunes hay bất cứ dịch vụ âm nhạc trực tuyến theo cách mà họ thích. Đây là vấn đề nổi cộm được đưa ra thảo luận tại MIDEM, hội chợ thương mại ngành công nghiệp âm nhạc lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Pháp trong tuần này.

Ở MIDEM lần thứ 41, tất cả các đại gia âm nhạc đều bị đặt dưới áp lực ngày càng gay gắt từ nhiều phía, yêu cầu phải bán ra các sản phẩm có định dạng không hạn chế trong khi sử dụng.

Thực tế là lâu nay những tín đồ âm nhạc luôn phải kêu ca, chán ngán vì tình trạng không nghe được các bản nhạc mua hợp pháp trên nhiều thiết bị khác nhau. Sở dĩ có điều này là do những bài hát đó đã bị khoá bởi mã DRM (digital rights management – Quản lý bản quyền kỹ thuật số), loại mã ban đầu được thiết kế vì quyền lợi của các nghệ sĩ.

Hy vọng về một thứ âm nhạc “không hạn chế” do bốn đại gia âm nhạc thế giới cung cấp hẳn sẽ là tin tức đáng mừng với các fan âm nhạc.

Song với các hãng kinh doanh âm nhạc thì điều đó không thể gọi là mừng. Bởi ngành này đang phải vật lộn để tồn tại trong thời đại số, khi mà tốc độ phát triển nhanh chóng của nhạc số không đủ bù đắp cho những thất thoát về doanh thu băng đĩa.

Khách tham quan nghe nhạc tại MIDEM lần thứ 41, hội chợ thương mại âm nhạc tầm cỡ và có ảnh hưởng nhất thế giới. Nguồn AFP

Mã DRM vốn được đại gia âm nhạc và máy tính Apple dùng để “khoá chân” hàng triệu người dùng iPod, buộc họ phải mua nhạc từ gian hàng trực tuyến iTunes của hãng này.

Với những người dùng máy nghe nhạc MP3 thì lại gặp trở ngại khác. Họ có thể mua và thưởng thức các bài hát mua của iTunes trên thiết bị nghe nhạc di động của mình nhưng lại không nghe được các bài hát mua của bốn hãng khác là EMI, Universal, Sony BMG và Warner.

Nhưng mặt khác, định dạng MP3 lại là nhân tố chính dẫn tới thành công đáng kể của tân binh eMusic. Hãng bán lẻ âm nhạc tự do này chỉ sau một thời gian rất ngắn đã trở thành dịch vụ nhạc số lớn thứ hai thế giới.

Hôm thứ hai tuần này (22/1), eMusic công bố đã có hơn 250.000 thuê bao, vừa bốn tháng sau khi đạt mức 200.000 người đăng ký dùng dịch vụ.

Ông David Parkman, chủ tịch eMusic cho biết: “eMusic thành công được ở châu Âu và Mỹ vì chúng tôi đã mang tới cho khách hàng sự kết hợp mà chưa dịch vụ nào có được, đó là, nhạc có thể chơi trên mọi thiết bị, các công cụ giúp khám phá và chỉnh sửa nhạc chất lượng cao, một quan điểm hướng tới niềm đam mê âm nhạc thực sự, vượt qua xu hướng thương mại tầm thường”.

Ông Parkman là một trong số những tên tuổi đặc biệt tin tưởng vào xu thế nới lỏng nhạc số trong vài năm trong tương lai. “Nó phải thay đổi và sẽ thay đổi trong một hoặc hai năm tới vì họ (các đại gia âm nhạc) không còn lựa chọn nào khác”, ông nói:.

Động thái gần đây của EMI cho thấy hãng này phần nào đã có những chuyển biến nhất định. Tuần qua EMI công bố đã cho phép tải nhạc tự do trên trang Baidu.com, một phiên bản của Google tại Trung Quốc và cũng là trang tìm kiếm Internet phổ biến thứ tư trên thế giới.

Một đại gia khác cũng có vẻ dao động là Warner Music. Cũng hôm thứ hai tuần này, hãng cho biết đã ký hợp đồng cung cấp nhạc và video trên Dailymotion, trang chia sẻ video lớn thứ hai thế giới.

Cũng trong hội chợ thương mại MIDEM tuần này, các nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đồng loạt dồn áp lực lên Apple cùng ngành kinh doanh âm nhạc phải bãi bỏ những hạn chế sử dụng trên sản phẩm cho tới cuối năm 2007.

Một số doanh nghiệp bán lẻ đã có thay đổi đáng mừng, hai hãng Virginmega và Fnacmusic của Pháp gần đây đã quyết định tung ra 200.000 bài hát có định dạng MP3.

Song theo nhận định của các chuyên gia, Apple không dễ thay đổi lập trường chừng nào sức ép cạnh tranh thương trường vẫn là lý do để họ làm như vậy.

Đỗ Dương

Theo AFP, VietNamNet
  • 138