Nhân loại đến từ rừng núi?

  •  
  • 1.238

Tổ tiên gần nhất của dòng giống con người có thể đã sống qua ngày bằng cách ăn lá, quả và vỏ cây của núi rừng thay vì một thực đơn dựa vào đồng cỏ như những họ hàng tuyệt chủng khác của loài người.

Theo các chuyên gia thuộc Viện Nhân loại học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig (Đức), thức ăn là tác động môi trường chủ yếu định hình dòng giống con người, có lẽ ảnh hưởng đến những thời điểm then chốt, như khi tổ tiên loài người bắt đầu đứng thẳng chẳng hạn, và các kết quả nghiên cứu mới giúp tiết lộ những lộ trình tiến hóa phức tạp mà những tổ tiên này đã trải qua khi phản ứng với thế giới xung quanh họ.

Những phát hiện này dựa trên những hóa thạch của dòng dõi hominin Australopithecus sediba đã tuyệt chủng được phát hiện một cách tình cờ trong tàn tích của một hang động ở Nam Phi. Các hóa thạch này đã được hai triệu tuổi.


Sọ người Australopithecus sediba - (Ảnh: Live Science)

Hominin là dòng dõi bao gồm con người và nhiều họ hàng khác sau khi họ tách ra từ họ hàng của loài tinh tinh.

Australopithecus có nghĩa là khỉ đầu người phía nam và là một nhóm bao gồm Lucy, bộ xương hóa thạch nổi tiếng thế giới, còn sediba có nghĩa là nguồn suối theo ngôn ngữ Sotho ở Nam Phi.

Loài tinh tinh, họ hàng còn sống gần gũi nhất với con người, thích ăn trái cây và lá cây hơn, thậm chí khi nguồn cỏ dồi dào. Ngược lại, loài người và loài linh trưởng australopith đã tuyệt chủng thích ăn cỏ hoặc động vật ăn cỏ hơn.

Các nhà khoa học có thể đánh giá xem những họ hàng cổ xưa của chúng ta đã ăn gì bằng cách nghiên cứu hàm răng của họ, đặc biệt những dấu vết và tàn tích thức ăn còn lại ở hàm răng. Họ còn có thể nghiên cứu các đồng vị carbon hình thành hóa thạch.

Qua phân tích hai mẫu hóa thạch, các nhà nghiên cứu nhận thấy chế độ ăn của người Australopithecus sediba về căn bản khác với chế độ ăn của hầu hết những dòng hominin đã tuyệt chủng khác được nghiên cứu từ trước đến nay.

Các đồng vị carbon từ những tàn tích cho thấy rằng dòng dõi Australopithecus sediba đã ăn theo chế độ gần như hoàn toàn của miền rừng, có thể so sánh với những loài động vật rừng núi như hươu cao cổ chẳng hạn.

Ngoài ra, những khúc mô thực vật nhỏ, bao gồm vỏ cây và gỗ, cũng được tìm thấy ở hàm răng của một trong những người thuộc dòng dõi Australopithecus sediba này.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Nature số mới nhất.

Theo Thanh Niên
  • 1.238