Với báo cáo đăng trên chuyên san Nature, một học sinh 15 tuổi đã giúp thay đổi cách thức giới khoa học nhận biết về sự hình thành của các thiên hà.
Neil Ibata đã giúp cho cha mình là Rodrigo Ibata, công tác tại Đài quan sát thiên văn Strasbourg (Pháp), người dẫn đầu một nhóm chuyên gia nghiên cứu các thiên hà lùn xung quanh thiên hà Tiên Nữ, láng giềng gần nhất của Dải Ngân hà, có được cái nhìn mới về quá trình tiến hóa của các thiên hà.
"Nhà thiên văn" nhí Neil Ibata
Theo đó, nghiên cứu mới quan sát 13 thiên hà vệ tinh nhỏ xung quanh thiên hà Tiên Nữ, trong như cách các hành tinh quay quanh mặt trời.
Chúng di chuyển trên quỹ đạo hình đĩa với kích thước lớn gấp 900 triệu lần hệ mặt trời của chúng ta.
Mô hình máy tính do Neil Ibata thiết kế đã tiết lộ một thông tin đáng chú ý, các thiên hà lùn dường như di chuyển đồng bộ và sắp thẳng hàng bên trong đĩa khổng lồ.
“Tôi đã chờ đợi một thứ hoàn toàn khác (với những gì Neil đã cung cấp)”, theo AFP dẫn lời ông Rodrigo Ibata.
Dù các nhà thiên văn vẫn chưa chắc chắn lắm về ý nghĩa của sự sắp xếp này, họ cho rằng phát hiện mới của Neil Ibata có thể thay đổi hoàn toàn hiểu biết về cách các thiên hà hình thành.
Neil Ibata cho hay cậu đã hỗ trợ nghiên cứu của cha mình để học và thực hành ngôn ngữ lập trình máy tính Python.
Neil Ibata hiện học tại Trường quốc tế Pontonniers ở Strasbourg, là con đầu trong gia đình, thông thạo 3 ngoại ngữ Đức, Anh, Trung, theo tờ Le Monde.