Giải thưởng Nobel không thể thu hồi nhưng đã có những quyết định trao nhầm làm tổn hại tới danh tiếng của giải thưởng cao quý này.
Một phát minh có thể đột phá ở thời điểm hiện tại nhưng liệu còn nguyên giá trị theo thời gian?
Vinh danh những người "cống hiến hết mình vì sự tốt đẹp cho nhân loại" là mục đích của Alfred Nobel, cha đẻ của giải thưởng Nobel danh tiếng. Tuy nhiên, giải thưởng này cũng không tránh khỏi những quyết định bị coi là "có vấn đề" trong lịch sử 115 năm của mình.
Fritz Haber được trao giải Nobel Hóa học vào năm 1918 vì khám phá ra cách tạo amoniac từ nitơ và hydro. Phương pháp của ông được ứng dụng để sản xuất phân bón, giúp thúc đẩy sản lượng nông nghiệp toàn cầu.
Tuy nhiên, Ủy ban Nobel hoàn toàn bỏ qua vai trò của Haber trong cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đầu tiên của nhân loại trong Thế chiến thứ I. Ông từng là người giám sát cuộc tấn công bằng khí clo quy mô lớn giết chết hàng ngàn quân Đồng minh tại Ypres, Bỉ, vào năm 1915.
Chân dung chủ nhân giải Nobel hóa học năm 1918, Fritz Haber. (Ảnh: indiatimes).
Nhà khoa học Đan Mạch Johannes Fibiger giành được giải Nobel Y học năm 1926 với phát hiện giun tròn là nguyên nhân gây ra ung thư ở chuột.
Trong nghiên cứu của mình, Fibiger khẳng định những con chuột ăn phải ấu trùng giun tròn ký sinh, sống trong các con gián, và đây là nguyên nhân gây ung thư.
Vào thời điểm trao giải thưởng, Uỷ ban Nobel cho rằng đó là một nghiên cứu hoàn hảo. Nhưng sau đó, người ta phát hiện ra rằng nguyên nhân khiến chuột bị ung thư không phải là do giun mà là do thiếu vitamin A
Một số ký sinh trùng chỉ có thể góp phần dẫn đến sự xuất hiện của ung thư. Phát hiện của Fibiger vào thời đó giống như một ánh sáng cho những bí ẩn về ung thư, nhưng thực sự lại là một phát hiện nhầm lẫn.
Giải thưởng Nobel Y học được trao cho nhà khoa học Thụy Sĩ Paul Mueller vào năm 1948 vì phát hiện ra công dụng của dichlorodiphenyltricloroethane (DDT). Mặc dù không phát hiện ra DDT nhưng Mueller lại có công trong việc tìm ra công dụng trừ sâu mạnh mẽ của DDT. Theo đó, hợp chất này có thể tiêu diệt rất nhiều ruồi, muỗi và bọ cánh cứng trong một thời gian ngắn.
DDT tỏ ra rất hiệu quả trong việc bảo vệ cây nông nghiệp và chống các bệnh lây truyền qua vật chủ trung gian (các loại côn trùng) như sốt phát ban và sốt rét. Hợp chất giúp cứu sống hàng trăm nghìn người và tiêu diệt sốt rét ở miền nam châu Âu.
DDT, hợp chất có hai mặt lợi hại, đã giúp nhà khoa học Thụy Sĩ Paul Mueller doạt giải Nobel năm 1948. (Ảnh: paris-normandie).
Nhưng trong những năm 1960, các nhà nghiên cứu môi trường nhận ra rằng DDT là chất độc đối với động vật hoang dã và môi trường. Sau đó, DDT bị cấm sử dụng trong hoạt động nông nghiệp ở Mỹ vào năm 1972, sau đó là trên thế giới bởi một hiệp ước toàn cầu vào năm 2001, ngoại trừ một số nước có dịch sốt rét nghiêm trọng.
Phẫu thuật mở thuỳ não (lobotomy) là phương pháp phẫu thuật điều trị gây nhiều tranh cãi trong điều trị bệnh tâm thần. Người ta sẽ tiến hành các vết rạch để phá hủy các kết nối giữa các vùng não trước trán và các bộ phận khác của não.
Đây là phát hiện giúp nhà khoa học Bồ Đào Nha Antonio Egas Moniz giành giải Nobel Y học năm 1949. Lobotomy được coi là một ý tưởng tuyệt vời tại thời điểm đó, thậm chí ở lễ trao giải, nó đã được ca ngợi là "một trong những khám phá quan trọng nhất được thực hiện trong điều trị tâm thần".
Nhưng người ta không ngờ rằng phương pháp này lại có tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số bệnh nhân tử vong, một số khác bị tổn thương não nghiêm trọng. Ngay cả những ca được cho là áp dụng thành công, bệnh nhân không phản ứng và tê liệt cảm xúc.
Phương pháp trên ít được sử dụng hẳn trong những năm 1950 khi các loại thuốc trị bệnh tâm thần trở nên phổ biến. Ngày nay, Lobotomy rất hiếm khi được áp dụng.
Mahatma Gandhi từng được đề cử Nobel hòa bình nhưng chưa bao giờ thắng giải. (Ảnh: AP).
Mohandas Karamchand Gandhi được tôn vinh là "thánh sống" của Ấn Độ, người đã dẫn dắt phong trào phản kháng phi bạo lực chống Đế quốc Anh, giúp giành độc lập cho Ấn Độ. Ông từng nhận được đề cử cho giải Nobel hòa bình không dưới 5 lần, nhưng lại không bao giờ đoạt giải.
Ủy ban Nobel hòa bình, cơ quan hiếm khi thừa nhận sai lầm, cuối cùng cũng công nhận việc không trao giải thưởng này cho Gandhi đúng là thiếu sót.
Vào năm 1989, 41 năm sau ngày Gandhi bị ám sát, Chủ tịch Ủy ban Nobel bày tỏ lòng ngưỡng mộ với "Quốc phụ" của Ấn Độ sau khi trao giải thưởng Nobel hòa bình năm đó cho Dalai Lama.