Nhật Bản: Mạng điện thoại vẫn chạy tốt sau thảm họa

  •  
  • 234

Kết nối di động luôn là mắt xích "dễ đứt nhất" trong các thảm họa tự nhiên, nhưng tại Nhật Bản, công nghệ lại đang là thứ tài sản vô giá mà lực lượng cứu hộ có được. 

Cũng như bất cứ một doanh nghiệp nào khác, các mạng viễn thông Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề sau trận động đất mạnh 6,8 độ Richter xảy ra hôm thứ 2 vừa qua ở miền trung Niigata.

Thích nghi cao độ với thảm họa

Tuy nhiên, đường dây và dịch vụ di động đã được khôi phục một cách nhanh chóng, cho phép những người sống sót và nhân viên cứu hộ liên lạc với nhau hết sức dễ dàng.

Gã khổng lồ viễn thông NTT Corp đã lắp đặt các buồng điện thoại công cộng tại những trại tị nạn tạm thời dành cho nạn nhân của trận động đất. Mặc dù chỉ là một hãng viễn thông tư nhân, nhưng mọi yêu cầu xin trợ giúp của NTT đều được chính phủ Nhật đáp ứng nhanh chóng.

NTT DoCoMo (Công ty con phụ trách mảng di động của NTT) thì dựng lên các kios sạc điện thoại di động miễn phí trên đường phố. Bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng dịch vụ này để liên lạc, dù cho họ không còn nhà để về và cũng chẳng còn thiết bị hay nguồn điện nào để sạc pin cho điện thoại của mình.

Chưa hết, các mạng di động còn lắp đặt các bảng tin nhắn miễn phí - cho phép mọi người chia sẻ thông tin trong suốt thời gian xảy ra thảm họa. Lấy thí dụ: "Bạn có thể viết "Mọi thứ đều ổn cả" hoặc "Hãy liên lạc với chúng tôi" để gia đình mình đọc được", một quan chức của Softbank Mobile cho biết.

Tin nhắn này sẽ được gửi đến số điện thoại do bạn yêu cầu chỉ trong giây lát. Còn trong trường hợp người thân của bạn không có di động, hoặc giả bạn không thể sử dụng ngón cái của mình, một dịch vụ nhắn tin tương tự bằng lời nói cũng đang tồn tại bên trong tất cả các dịch vụ điện thoại tại Nhật, kể cả di động lẫn cố định. Điều duy nhất bạn phải làm chỉ là quay số 171.

Định vị nạn nhân

Nguồn: AFP
KDDI, mạng di động lớn thứ hai tại Nhật, cũng cung cấp một dịch vụ kiểm soát tần số radio và bản đồ trong khu vực bị thảm họa. Dịch vụ này sẽ chỉ dẫn cho người dân trong vùng lộ tuyến an toàn nhất.

"Hệ thống này vẫn hoạt động kể cả khi kết nối với mạng di động đã bị cắt, bởi nó được nối thẳng với hệ thống vệ tinh GPS", một kỹ sư của KDDI cho biết.

Theo yêu cầu của nhà chức trách, toàn bộ điện thoại di động bán ra tại Nhật từ sau tháng 4 năm nay đều đã được trang bị ăngten thu GPS, cho phép nhân viên cứu hộ lần ra vị trí cuộc gọi dễ dàng hơn, kể cả khi nạn nhân không thể xác định được anh/cô ta đang ở đâu.

Điều này đồng nghĩa với việc gần 30% số thuê bao di động tại Nhật hiện nay đã "xuất hiện" trên bản đồ GPS.

Cứu hộ công nghệ cao

Ngoài ra, mạng di động NTT DoCoMo còn phát triển một loại mũ cứu hộ công nghệ cao, dành riêng cho lực lượng cứu hộ trong thời gian thảm họa.

Loại mũ này được trang bị kết nối tốc độ cao và ăngten thu sóng GPS, kèm theo một chiếc đèn chiếu, một máy camera ở mặt trước và pin năng lượng mặt trời.

"Thiết bị này cho phép nhân viên cứu hộ tự động quan sát thực địa và nắm được tình hình xung quanh trong khi cử động của họ không hề bị vướng víu", hãng Tanizawa (nơi thiết kế ra chiếc mũ) cho biết.

Mỗi năm, Nhật Bản phải hứng chịu khoảng 20% số trận động đất lớn của toàn thế giới. Chính vì vậy, cơ sở hạ tầng "thích nghi" với động đất đã được xứ sở Phù Tang phát triển đến mức hoàn hảo.

Tuy nhiên, trận động đất mới nhất đã dấy lên lo ngại do nó làm rò rỉ lên mặt đất và vào nguồn nước một lượng phóng xạ "không xác định". Nguyên nhân là vì gần khu vực tâm chấn có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới đang hoạt động.

Trong số các mạng di động, Softbank là bị tổn thất nặng nhất khi có tới 93 trạm phát sóng bị hư hại. NTT DoCoMo cho biết hơn một chục ăngten của họ bị hỏng còn KDDI thì may mắn hơn, chỉ bị hỏng 3 cột ăngten mà thôi.

Trọng Cầm
Theo AFP, VietNamNet
  • 234