Một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy sự phân bố cây trong rừng mưa nhiệt đới phụ thuộc nhiều vào cách thức phát tán hạt giống của mỗi loài. Nghiên cứu giúp giải thích cách mà nhiều cây cối trong rừng mưa nhiệt đới có thể cùng tồn tại trong một khu vực nhỏ.
Joshua B. Plotkin đến từ đại học Harvard và Tristram Seidler đến từ đại học Hoàng Gia ở Anh đã tiến hành phân tích các cơ chế phát tán và sự phân bố không gian của 561 loài cây tại một khu đất 50 hecta trong khu rừng nhiệt đới trũng của Khu bảo tồn rừng Pasoh ở Malaysia. Kết quả nghiên cứu cho thấy các loài cây có quả nhỏ có xu hướng ít được phát tán rộng rãi hơn là các loài cây có quả lớn. Điều này cho thấy rằng các loài chim và động vật có vú có cơ thể lớn hơn mang các hạt giống của những loài cây này sang những vùng xa hơn.
“Nói chung, có một mối quan hệ hết sức quan trọng giữa cách thức phát tán hạt giống với việc sắp xếp và tập trung của những cây trưởng thành trong rừng mưa nhiệt đới”, Plotkin cho biết. Các nhà khoa học nói rằng nghiên cứu của họ là bằng chứng thực nghiệm đầu tiên về những khuynh hướng như vậy cho toàn bộ cộng đồng cây rừng và các khám phá này cũng tương tự cho những vùng rừng khác.
“Các kết quả của chúng tôi cung cấp bằng chứng dựa vào thực nghiệm rõ ràng về tầm quan trọng của kiểu phát tán trong việc hình thành cấu trúc cộng đồng các khu rừng nhiệt đới lâu dài”, Plotkin thêm vào.
Thiện Kha