Nhóm người châu Âu đầu tiên ăn thịt người

  •  
  • 4.251

Một nhà khảo cổ người Tây Ban Nha đã khẳng định, những di tích hóa thạch vừa được tìm thấy trong hang đá vôi Atapuerca, Tây Ban Nha cho thấy những người châu Âu đầu tiên ăn thịt người.

Dấu tích không thể phủ nhận

Những dấu vết hóa thạch của người châu Âu đầu tiên được tìm thấy tại hệ thống hang đá vôi Atapuerca, Tây Ban Nha đã dấy lên giả thiết người châu Âu tiền sử có khả năng thuộc chủng ăn thịt người. Không những thế, họ thích thịt trẻ em và thiếu niên. "Chúng tôi biết rằng học có đặc tính ăn thịt người", khẳng định với hãng thông tấn AFP, José Maria Bermudez de Castro, Bảo tàng quốc gia về tự nhiên tại Mandrid và đồng giám đốc của nhóm nghiên cứu Atapuerca cho biết. Atapuerca là một trong những hang đá vôi nổi tiếng nhất châu Âu, được UNESCO công nhận di sản văn hóa nhân loại năm 2000.

Việc nghiên cứu những dấu tích được tìm thấy này cũng cho thấy, việc ăn thịt người này nhằm sinh tồn chứ không phải là hình thức nghi lễ. Những người châu Âu đầu tiên ăn thịt người sau khi đã giết họ, nạn nhân chủ yếu là trẻ con và thiếu niên. "Đây là trường hợp ăn thịt người đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử loài người, tuy nhiên, điều này cũng chưa khẳng định đó là trường hợp cổ xưa nhất". Giáo sư M. Bermudez de Castro cho biết thêm. 

José Maria Bermudez de Castro (trái) và Euđal Carbonell, hai giám đốc của nhóm nghiên cứu Atapuerca. (Ảnh: AFP)

Những dấu tích nói trên tìm thấy ở hang đá vôi Gran Dolina. Chúng nằm rải rác, gãy vụn và lẫn lộn với những mẩu xương động vật khác như ngựa, hươu, tê giác, đối tượng săn bắt ăn thịt của con người. Theo ông M. Bermudez de Castro, "Việc những chiếc xương người và động vật nằm lẫn lộn ở đây đều có dấu vết của dao và sự xẻ thịt cho thấy những yếu tố của việc tích tụ xương sau khi đã bị ăn thịt. Điều này cho chúng ta liên tưởng việc ăn thịt người là nhu cầu sinh tồn, chứ không phải là nghi thức. Bởi người tiền sử chưa thể có khả năng tín ngưỡng như con người hiện nay".

Di trú của người tiền sử

Những di tích hóa thạch được tìm thấy từ năm 1994 ở Gran Dolina cho thấy đó là những người châu Âu đầu tiên với tên gọi Homo antecessor. Những người Homo antecessor, ra đời sớm hơn người Néandertal và Homo sapiens, đã cư trú tại châu Âu cách đây khoảng 800.000 năm trong những hang đá ở Atapuerca sau một sự di cư dài từ châu Phi qua Cận Đông, tới phía Bắc nước Ý, và sau đó là nước Pháp.

Dãy đá vôi Atapuerca rộng 13km2 này nằm trong một vùng tách biệt ở phía bắc bán đảo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Đây là nơi giao nhau giữa 2 dòng sông, khí hậu ôn hòa, sinh thái đa dạng, với nguồn nước và thức ăn phong phú, có thể săn bắn lợn lòi, ngựa, hươu. 

Một trong những hóa thạch được tìm thấy ở Atapuerca. 
(Ảnh: AFP)

"Họ giết đối thủ và ăn thịt", giáo sư M.Bermudez giải thích sau khi phân tích những di tích hóa thạch của 11 nạn nhân. "Chúng tôi cũng khám phá ra những dấu vết chứng tỏ, việc ăn thịt người này không chỉ xảy ra trong một giai đoạn mà còn tiếp diễn theo thời gian. Một khám phá khác mà chúng tôi chưa giải thích được rõ lắm, là phần lớn trong số 11 nạn nhân này đều là trẻ em hoặc thiếu niên. Cũng có thể có 2 người trưởng thành, trong đó có 1 phụ nữ".

Vùng Atapuerca cho phép người Homo antecessor phát triển một kiểu gen riêng biệt, với những nét đặc trưng vừa cổ vừa hiện đại. Ngoài săn bắn, họ còn hái lượm, chế tạo công cụ. Quang cảnh ở đây đặc trưng với rừng sồi, dẻ, bách xù, nhiều đồng cỏ, và là nơi sinh sống của cáo, gấu, linh miêu, báo, linh cẩu.

Mai Anh - Vietnamnet (theo Le Figaro)
  • 4.251