Nhốt CO2 vào đá

  •  
  • 550

Vào tháng tới, một nhóm các nhà khoa học quốc tế sẽ bơm hỗn hợp dung dịch vào hố sâu tại một núi lửa thuộc Iceland trong nỗ lực khóa hẳn CO2 mãi mãi dưới lòng đất.

>>> Giải pháp chôn lấp CO2 an toàn

Dùng hóa chất xử lý CO2, nguồn khí thải chính gây hiệu ứng nhà kính, là một biện pháp giống như thuật giả kim ở thế kỷ thứ 21 mà các chuyên gia và chính phủ trông đợi sẽ giúp giảm bớt hoặc thậm chí ngăn chặn được tình trạng thay đổi khí hậu. AP đưa tin các kỹ sư Mỹ và Iceland sẽ thực hiện cuộc thử nghiệm mang tên CarbFix, dựa trên đặc điểm rằng đến 90% nền móng của Iceland là đá basalt. Đây là loại vật liệu phản ứng cực cao, hoạt động bằng cách kết hợp canxi của nó với một dung dịch CO2 để hình thành đá vôi vô hại và tồn tại vĩnh viễn.

Các nhà nghiên cứu cũng cẩn trọng khi dự đoán cuộc thử nghiệm kéo dài từ 6 - 12 tháng sắp tới đây của họ có thể không như kỳ vọng, và cảnh báo rằng khó có thể đưa ra một giải pháp CarbFix hoàn hảo nào trong những năm tới. Và một trong những mục đích quan trọng của cuộc thí nghiệm này là nhằm huấn luyện các nhà khoa học trẻ tuổi để họ có thể đương đầu với khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, Wallace S.Broecker của Đại học Columbia, người từng nghĩ ra từ “ấm lên toàn cầu” cách đây khoảng 4 thập niên, khằng định rằng dù có làm gì đi chăng nữa, con người vẫn phải tìm cách giải quyết CO2 trong 50 năm tới.

CarbFix có thể là giải pháp vàng cho tình trạng khí thải hiện tại - (Ảnh: Newstribune)
CarbFix có thể là giải pháp vàng cho tình trạng khí thải hiện tại - (Ảnh: Newstribune)

Thế giới hiện bắt tay vào tồn trữ một số CO2, như Na Uy đang bơm loại khí này, sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất khí đốt, xuống bể sa thạch phía dưới biển Bắc. Thế nhưng đây là giải pháp không hoàn hảo, và nhiều người lo ngại rằng sẽ có một ngày bể khí khổng lồ này có thể thoát ra, đe dọa cuộc sống trên trái đất. Nhưng nếu bị biến thành đá, CO2 không có khả năng chạy đi đâu được nữa. Đó là lý do cuộc thí nghiệm sẽ được tiến hành tại khu vực cách thủ đô Reykjavik của Iceland khoảng 29km về phía đông nam, nơi mà đợt phun trào cuối cùng xảy ra cách đây 2.000 năm. Hiện Công ty điện lực Reykjavik đang vận hành một nhà máy nhiệt điện khổng lồ, với 30 giếng được khai thác ở đây.

Bước đầu, đội ngũ chuyên gia sẽ tìm cách tách 2 loại khí đang tồn tại bên dưới lòng đất, gồm CO2 và H2S. Sau đó, CO2 sẽ được dẫn đến một giếng cách đó 3.000m để trộn lẫn với nước được bơm từ các nơi khác. Hỗn hợp này sẽ được bơm trở lại vào giếng, và với áp suất ở độ sâu 500m, quá trình chuyển hóa sẽ được khởi động để tạo thành a-xít carbonic. Dưới tác động của loại a-xít này, lớp đá basalt sẽ bị ăn mòn, phản ứng với canxi của đá để thành canxi carbonate, hay còn gọi là đá vôi. Trên thực tế, quy trình CarbFix là nhằm đẩy nhanh quá trình tự nhiên gọi là phong hóa, khi a-xít carbonic trong nước mưa chuyển đổi khoáng chất trong đá qua nhiều năm.

Dự kiến khoảng 2.000 tấn CO2 sẽ được thử nghiệm trong thời gian từ 6 - 12 tháng và sau đó các chuyên gia sẽ theo dõi kết quả của phản ứng dây chuyền này. Sẽ mất vài năm mới biết được kết quả, trước khi có thể áp dụng được quy trình này trên diện rộng.

Theo Thanh Niên
  • 550