Chôn lấp CO2 sâu dưới lòng đất là một giải pháp tốt cho tình trạng biến đổi khí hậu vốn đang ngày một nghiêm trọng, nhưng việc giữ cho khí không “sủi” lên trên mặt đất lại là việc không dễ dàng.
Theo báo News Scientist, việc bơm các hạt nano vào trong các bể chứa dưới lòng đất trước khi các bể này chứa đầy CO2 có thể thúc đẩy sự tự hàn gắn bất kỳ vết rò rỉ nào.
Khi CO2 bốc lên nhanh qua các vết nứt trong tầng đá gốc, loại khí áp lực cao này hành xử như một chất lỏng và biến thành các giọt nhỏ. Steven Bryant, một kỹ sư tại Đại học Texas ở thành phố Austin (Mỹ), cho biết các hạt nano silica phủ polyethylene glycol sẽ gắn kết với các giọt này tạo thành bọt nhớt. Chúng sẽ bít các vết rò rỉ giống như lớp phủ bên trong một loại lốp xe tự hàn gắn.
Trong các thử nghiệm, ông Steven đã sử dụng n-octan, một chất lỏng giữ vai trò như CO2 siêu tới hạn, để chứng minh bọt nhớt hình thành và bịt kín các vết nứt trong đá.
Các kết quả nghiên cứu đã được trình bày tại một diễn đàn do Trung tâm Nghiên cứu năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ tổ chức mới đây tại Washington. Nhóm nghiên cứu của ông Bryant hiện đang dự định tiến hành các thử nghiệm sử dụng CO2 siêu tới hạn.