Những "cái đầu" xuất sắc nhất thế giới IT 2005 - Kỳ II

  •  
  • 166

Đằng sau thành công của mỗi tập đoàn đều có bóng dáng của ít nhất một "yếu nhân". Những quyết định và sách lược của họ đôi khi có thể làm thay đổi cả guồng máy công nghệ thế giới. Chân dung những nhà lãnh đạo tài ba nhất trong lĩnh vực công nghệ theo bình chọn của BusinessWeek Online (phần II).

Những "cái đầu" xuất sắc nhất thế giới IT 2005 (Kỳ I)

7. Marissa Mayer - "Người đàn bà đẹp" sau lưng Google

Cách điều hành trong cỗ máy Google luôn luôn khác thường. Các quan chức cực kỳ kiệm lời trong việc hướng dẫn nhân viên dưới quyền. Các kỹ sư tự do theo đuổi những dự án nào khiến họ hào hứng nhất. Đấy chính là châm ngôn của Google: Mọi ý tưởng ra khỏi đầu các kỹ sư và họ dung dưỡng chúng trở thành các sản phẩm thành công.

Trong cách điều hành "lạt mềm buộc chặt" này, Marissa Mayer là người lão luyện nhất. Vị phó chủ tịch phụ trách các sản phẩm tìm kiếm của Google luôn họp mặt với nhân viên ngoài quán cafe hay tiệm ăn nhanh chứ không phải bên trong 4 bức tường văn phòng. Cô cũng thường xuyên đi "săn" các ý tưởng triển vọng bằng cách tổ chức những buổi "họp mở" 3 lần mỗi tuần.

Năm nay 30 tuổi, Mayer đã giúp Google phát hiện và triển khai nhiều sản phẩm chủ chốt như phần mềm tìm kiếm desktop hay mạng giao tiếp xã hội kiểu MySpace. Thách thức duy nhất mà Mayer phải đối mặt là: giờ đây, Google đã có tới hơn 5000 nhân viên mà thôi.

8. Robert Iger (Disney)

Cuộc gọi đầu tiên mà Robert Iger nhận được sau khi nhậm chức Giám đốc điều hành Walt Disney là từ Steve Jobs, thủ lĩnh của Apple, và ngay lập tức, Iger hiểu đây là một "điềm lành". Người tiền nhiệm của ông, Michael Eisner, từng bị Jobs ghét cay ghét đắng và hai hãng Disney cùng "Quả táo" chẳng thèm ngó đến mặt nhau dù chỉ một lần.

Thế nhưng tình thế đã thay đổi 180 độ dưới thời đại Iger trị vì. Hai tuần sau khi nhậm chức, Iger xuất hiện trên sân khấu nhà hát San Jose, tuyên bố Disney sẽ sản xuất các chương trình truyền hình ăn khách dành riêng cho dịch vụ iTunes của Apple. Một chương mới trong lịch sử Disney đã ra đời, và Iger đã nắn nót viết vào đó dòng chữ "Lột xác". Mô hình truyền thông xưa cũ, dính chặt vào màn ảnh nhỏ sẽ bị lật đổ để nhường chỗ cho một kỷ nguyên multimedia không biên giới.

Chưa có ai tiến hành cải tổ rốt ráo và gấp gáp như Iger: rót 100 triệu USD để củng cố bộ phận video game, chi thêm 130 triệu USD để phát triển dòng điện thoại di động riêng, mang thương hiệu Disney cùng ESPN, đồng thời tìm kiếm hợp đồng phát hành phim/chương trình truyền hình theo yêu cầu.

Chưa hết, cả ba bộ phim Disney tung ra trong năm qua là "Sky High" (Trường học siêu nhân), Herbie: Fully Loaded (Herbie nổi lọan) và Chicken Little đều rất thành công về doanh thu.

9. Chris DeWolfe & Tom Anderson (MySpace.com)

Tháng 7 năm ngoái, hai doanh nhân trẻ người Los Angeles lò dò chạm ngõ Internet. Nhưng giờ đây, 2 năm sau, trang web MySpace.com do họ lập ra, cùng công ty mẹ Intermix Media đã được rao bán cho News Corp với cái giá lên tới 580 triệu USD.

Với ý tưởng thiết lập một mái nhà xã hội ảo, nơi các thành viên có thể chia sẻ tin nhắn, tiểu sử, hình ảnh, âm nhạc và tranh vẽ, Chris và Tom đã hì hục dựng lên MySpace. Không gian ảo này nổi tiếng đến mức nó đã hình thành nên cả một thế hệ trẻ mới tại Mỹ, thế hệ mà BSW mệnh danh là "MySpace Generation" và tham gia nó trở thành một mốt thời thượng. Riêng trong tháng 10 vừa qua, 11,6 tỷ trang trực thuộc Myspace đã được ghé thăm, đưa trang web này lọt vào danh sách Top 4 điểm đến sầm uất nhất trên Web - gần gấp đôi Google.

Nhiều người e ngại rằng dưới đế chế mới của News Corp, MySpace sẽ bị thương mại hóa. Tuy nhiên số lượng thành viên là lượt truy cập liên tục tăng trong suốt mùa thu. Bí quyết thành công của trang web này là gì? "Chúng tôi chỉ tập trung vào văn hóa đại chúng chứ không phải công nghệ thuần túy", Anderson nhún vai.

10. Adam Curry - Podshow

Chỉ trong vòng 18 tháng, Adam Curry đã dấy lên cả một cuộc cách mạng về sáng tạo trực tuyến. Tháng 7/2004, cựu VJ (người dẫn chương trình) của kênh truyền hình MTV này đã post lên mạng một phần mềm cho phép bất cứ ai cũng có thể sản xuất và phát sóng một chương trình radio của riêng mình. Podcasting đã ra đời như vậy đó.

Và giờ đây, Internet đang vô cùng rôm rả với hơn 20.000 kênh podcast các loại, từ những giai điệu blues Delta cho đến nhạc tập ...Yoga. Podcast trở thành từ khóa của năm 2005 trong khi Curry được mệnh danh là cha đẻ của Pod (podfather). Tính đến tháng 8 năm nay, công ty PodShow của anh đã quyên góp được 8,9 triệu USD để xây dựng một mạng Podcaster độc lập và thu hút tới hàng triệu thính giả. Các nhà quảng cáo lũ lượt kéo đến và lợi nhuận bắt đầu dồn dập đổ về.

Nhưng tham vọng lớn của Curry là gì? Ít nhất là 30 tỷ USD mỗi năm từ quảng cáo podcast.

11. Stefano Marzano (Philips Design)

Trong suốt 14 năm nắm giữ cương vị Giám đốc điều hành Philips Design, Stefano Marzano đã chứng minh chỉ có sáng tạo mới giúp giành thế thượng phong trên một thị trường đã chật ních các "chiến binh".

Kể từ năm 1991, ông đã tăng gấp 3 lần số nhân viên làm việc trong trung tâm Sáng tạo Ý tưởng Philips Design. 450 người, làm việc ở 12 nước khác nhau rải đều các châu lục, đã giúp Philips Design trở thành một trong những Trung tâm Sáng tạo lớn nhất thế giới. Từ nơi đây, một loạt những sản phẩm thành công, cả về mặt sáng tạo lẫn thương mại đã ra đời, chẳng hạn như chiếc máy pha cà phê Senseo đã bán được hơn 10 triệu cái từ năm 2001 đến nay.

Giờ thì Stefano đang dốc toàn bộ sức lực cho ý tưởng mới của mình về "Không gian thông minh", nơi mọi vật dụng hàng ngày xung quanh ta đều có thể "cảm giác" và cung phụng cho nhu cầu của con người. Ngay từ đầu năm 2005, nhóm của Stefano đã giật được một giải thiết kế danh giá cho sản phẩm máy chụp X-quang mới, cho phép bệnh nhân lựa chọn dòng nhạc và trang trí ưa thích để giảm bớt căng thẳng trong quá trình chụp chiếu.

12. Olli-Pekka Kallasvuo (Nokia)

Olli-Pekka Kallasvuo là người được chọn để kế nhiệm Jorma Ollila giữ chiếc ghế Giám đốc điều hành tại Nokia, hãng sản xuất ĐTDĐ số một thế giới vào tháng sáu 2006. Còn trước đây và ngay lúc này, ông vẫn đang giữ một vai trò trọng yếu trong công cuộc cải tổ mà Ollila khởi xướng, nhằm biến Nokia thành một gã khổng lồ về viễn thông với doanh thu hàng năm không dưới 40 tỷ USD và kinh doanh cực kỳ tập trung.

Với sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt từ Motorola cùng Samsung, Kallasvuo sẽ phải tung ra thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn, quyến rũ và thời trang hơn nữa, trong khi vẫn phải trông chừng giá thành. Một sách lược của ông sẽ có thể làm thay đổi cách cả thế giới dùng điện thoại di động trong tương lai.

Cầm Thi

Theo VietnamNet
  • 166