Những chuyện thú vị về cuộc đua vào điện Kremlin

  •  
  • 949

Ngày 31/12/1999, Tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ từ chức để Thủ tướng Chính phủ Nga lúc đó là Vladimir Putin nắm Quyền Tổng thống.

Định chế Tổng thống được thiết lập tại Liên bang Nga năm 1991 và đã có 6 cuộc bầu cử Tổng thống trong các năm 1991, 1996, 2000, 2004, 2008 và 2012. Chỉ một lần, vào năm 1996, cuộc bầu cử Tổng thống Nga phải tổ chức vòng hai.

Năm 1991, nhiệm kỳ Tổng thống là 5 năm, sau đó luật được sửa đổi và nhiệm kỳ Tổng thống từ năm 1996 rút xuống còn 4 năm.

Bước sửa luật tiếp theo, có hiệu lực từ ngày 31/12/2008, quy định nhiệm kỳ Tổng thống kể từ năm 2012 là 6 năm.

Từng có các cặp liên danh như ở Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Nga (thể chế này tồn tại đến 26/12/1991) lần thứ nhất tổ chức ngày 12/6/1991. Đó là lần duy nhất có các cặp ứng cử viên liên danh: Tổng thống và Phó Tổng thống.

Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (SIK) đăng ký 6 cặp ứng cử viên. Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Liên Xô (LDPSS, từ năm 1992 là Đảng Dân chủ Tự do Nga - LDPR) Vladimir Zhirinovski liên danh với Andrey Zavidia, Chủ tịch Tổng công ty "Galand" (ứng cử Phó Tổng thống).

Vadim Bakatin, Ủy viên Hội đồng An ninh Liên Xô, cựu Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô, liên danh với ứng cử viên Phó Tổng thống Ramazan Abdulatipov, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Xô-viết Tối cao Nga.

Boris Yeltsin, Chủ tịch Xô-viết Tối cao Nga ra tranh cử cùng cặp với Đại tá Alexandr Rutskoi, Chủ nhiệm Ủy ban của Xô-viết Tối cao Nga, thủ lĩnh phái đại biểu "Những người cộng sản vì dân chủ".

Thượng tướng Albert Makashov, Tư lệnh Quân khu Vônga - Uran, đại biểu nhân dân Liên Xô, cùng với Alexei Sergeev, Trưởng bộ môn thuộc Học viện Lao động và Quan hệ xã hội.


Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Liên Xô Vladimir Zhirinovski.
Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Liên Xô Vladimir Zhirinovski.

Cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikolai Ryzhkov liên danh với Thượng tướng Boris Gromov, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ Liên Xô, đại biểu nhân dân Liên Xô.

Aman Tuleyev, Chủ tịch Xô-viết đại biểu nhân dân tỉnh Kemerovo, cùng với Viktor Bocharov, quản đốc tại Xí nghiệp liên hợp "Kuzbasshakhtostroi". Năm đó, trừ thủ lĩnh LDPSS Vladimir Zhirinovski, các ứng cử viên còn lại đều thu thập được đủ 100 nghìn chữ ký ủng hộ của cử tri.

Với tư cách ứng cử viên của một chính đảng, Vladimir Zhirinovski cần phải được ít nhất 1/5 số đại biểu nhân dân CHLB XHCN Xô-viết Nga bỏ phiếu ủng hộ để được đăng ký ứng cử.

Ngày 22/5/1991, tại Đại hội IV đại biểu nhân dân CHLB XHCN Xô-viết Nga, 477 trong số 930 đại biểu có mặt bỏ phiếu thuận, 417 người bỏ phiếu chống, 36 người bỏ phiếu trắng và Vladimir Zhirinovski được công nhận là ứng cử viên Tổng thống.

Năm đó Boris Yeltsin đắc cử Tổng thống Nga với 57,30% phiếu bầu. Xếp thứ hai là Nikolai Ryzhkov, thứ ba là Vladimir Zhirinovski. Có 1.525.410 cử tri gạch tên tất cả các ứng cử viên (1,92%).

Cựu Tổng thống Liên Xô tranh cử Tổng thống Nga

Cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 1996 có hai điểm đáng chú ý: cần đến vòng hai để phân thắng bại và cựu Tổng thống đầu tiên, duy nhất của Liên Xô Mikhail Gorbachev tham gia cuộc đua với hy vọng được trở lại Điện Kremlin!

Chính khách này tranh cử với tư cách Chủ tịch "Quỹ Gorbachev".

Lúc này Nga đã hủy bỏ chức danh Phó Tổng thống vì định chế này suýt nữa đã gây ra thảm họa cho đất nước. Từ cuối năm 1992, cùng với cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng của nước Nga, mâu thuẫn giữa các lực lượng chính trị hết sức căng thẳng, đặc biệt giữa cánh tả và các phe phái xung quanh Tổng thống Yeltsin.

Giữa Boris Yeltsin và Phó Tổng thống A. Rutskoi đã bùng lên mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trên nền cuộc xung đột quyết liệt giữa chính quyền hành pháp của Yeltsin với phe đa số trong Quốc hội Nga.

Nga đã hủy bỏ chức danh Phó Tổng thống vì định chế này suýt nữa đã gây ra thảm họa cho đất nước.
Nga đã hủy bỏ chức danh Phó Tổng thống vì định chế này suýt nữa đã gây ra thảm họa cho đất nước. (Ảnh: Ridus).

Tháng 10/1993, Tổng thống Yeltsin ra lệnh cho quân đội điều xe tăng đến nã pháo vào tòa nhà Quốc hội để buộc Phó Tổng thống A. Rutskoi cùng phe đa số chống Yeltsin đang cố thủ trong tòa nhà phải rút ra ngoài.

Với biện pháp mạnh tay đó, ông Yeltsin đã hóa giải được phần nổi của tảng băng đối đầu chính trị căng thẳng và thông qua được bản dự thảo Hiến pháp mới trong một cuộc trưng cầu ý dân.

Nhưng uy tín của Tổng thống Yeltsin trong xã hội Nga đã lung lay nghiêm trọng. Tại vòng một cuộc bầu cử ngày 16/6/1996, Boris Yeltsin về nhất nhưng cũng chỉ đạt 35,28% số phiếu.

Đứng thứ hai là Chủ tịch ĐCS LB Nga Gennady Ziuganov (32,03%), thứ ba là Tướng Alexandr Lebed, đại biểu Đuma quốc gia Nga (14,52%), 7 ứng cử viên còn lại chỉ đạt được số phiếu thấp.

Cuộc bầu cử phải tổ chức vòng hai ngày 3/7/1996 để cử tri lựa chọn giữa đương kim Tổng thống và nhà lãnh đạo ĐCS Nga với đường lối, chính sách hoàn toàn đối lập nhau.

Lúc này Yeltsin đạt được "thỏa thuận chiến lược" với Alexandr Lebed bằng việc hứa dành cho viên tướng nhiều tham vọng này một vị trí quan trọng trong chính quyền. Nhờ đó, tại vòng hai, Yeltsin tái đắc cử với 53,82% số phiếu trong khi Gennady Ziuganov đạt được 40,31%.

Ông Yeltsin nhảy múa với thanh niên trong hoạt động tranh cử ở vòng hai năm 1996.
Ông Yeltsin nhảy múa với thanh niên trong hoạt động tranh cử ở vòng hai năm 1996.

Bầu cử trước thời hạn và nữ ứng cử viên đầu tiên

Năm 2000, cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến tổ chức vào ngày 9/7. Nhưng ngày 31/12/1999, Tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ từ chức để Thủ tướng Chính phủ Nga lúc đó là Vladimir Putin nắm Quyền Tổng thống.

Và cuộc bầu cử được đẩy lên sớm hơn, vào ngày 26/3/2000. Đây là cuộc đua vào Điện Kremli có nhiều ứng cử viên nhất: 11 người. Trong số đó không ít gương mặt "cũ" như Vladimir Zhirinovski, Gennady Ziuganov, Grigori Yavlinski - thủ lĩnh Đảng Yabloko…

Trong số 11 ứng cử viên có bà Ella Pamfilova, được phong trào "Danh dự công dân" - một tổ chức xã hội điều phối hoạt động của các tổ chức phi chính phủ vì trẻ em - đề cử.

Bà Ella Pamfilova chính là người đang nắm trong tay tiến trình bầu cử Tổng thống Nga năm 2018 –là Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương. 18 năm trước, bà là người phụ nữ đầu tiên ra ứng cử Tổng thống Nga!

Bà Ella Pamfilova sinh năm 1953, là một chính khách, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Nga.

Bà từng làm Bộ trưởng Bảo đảm xã hội cho người dân trong Chính phủ của các Thủ tướng E. Gaidar và V. Chernomyrdin (1991-1994), đại biểu Đuma quốc gia (1994-1999), Chủ tịch Ủy ban quyền con người trực thuộc Tổng thống Nga (2002-2004), Chủ tịch Hội đồng trực thuộc Tổng thống Nga về vấn đề hỗ trợ phát triển các thiết chế xã hội dân sự và quyền con người (2004-2010), đại diện toàn quyền về quyền con người tại LB Nga (2014-2016). Bà giữ chức Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga từ ngày 28/3/2016 đến nay.

Bà Ella Pamfilova trong một cuộc làm việc của Tổng thống Putin năm 2001.
Bà Ella Pamfilova trong một cuộc làm việc của Tổng thống Putin năm 2001.

Ông Putin tự ứng cử lần thứ ba

Đối với đương kim Tổng thống Vladimir Putin, đây là cuộc tranh cử Tổng thống lần thứ tư. Việc ông ra tranh cử với tư cách ứng cử viên tự do đã được chính giới và báo giới bình luận rôm rả. Nhưng đây không phải lần đầu ông Putin tự ứng cử.

Năm 2000, đang là Quyền Tổng thống, Vladimir Putin ra tranh cử lần thứ nhất. Năm 2004, ông lại tái tranh cử. Năm 2012, Vladimir Putin được Đảng "Nước Nga thống nhất" đề cử. Ba lần tham gia cuộc đua Vladimir Putin đều đắc cử ngay vòng một: năm 2000 với 53% số phiếu, năm 2004 với 71,3% và năm 2012 là 63,6%.

Với một nhiệm kỳ giữ chức Thủ tướng (2008-2012) - vị trí quyền lực cao thứ hai ở Nga , ông Putin đã chèo lái con tàu Xứ sở Bạch Dương 18 năm. Trong thời gian đó, ông đã thực hiện hơn 500 chuyến công tác trong nước và công du tới hơn 70 nước trên thế giới.

Có nhiều danh hiệu mà người ta dành cho Vladimir Putin, nhưng có lẽ danh hiệu "Nhà lãnh đạo năng động" là phù hợp nhất! Nước Nga rộng lớn là thế mà có ngày ông Putin thăm làm việc ở nhiều nơi.

Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông từng cưỡi chiến đấu cơ phản lực bay đến Chechnya, từng ngủ đêm trên tàu ngầm ở đáy biển, từng lặn sâu thám hiểm như một nhà khảo cổ… Năm nào ông cũng tổ chức những cuộc họp báo, giao lưu trực tuyến với người dân kéo dài vài tiếng đồng hồ… Tất cả cốt để tiếp xúc với mọi tầng lớp xã hội, nắm bắt mọi vấn đề, chia sẻ, chuyển tải ý kiến của mình…

Trở thành Tổng thống lúc 46 tuổi, nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ tư và giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của nước Nga đến năm 2024 thì Vladimir Putin lúc đó sẽ 72 tuổi. Tức là xấp xỉ một phần tư Thế kỷ ông làm "người chèo thuyền" nước Nga.

Cập nhật: 19/03/2018 Theo Thời Đại
  • 949