Những đám mây màu xanh lam hiếm gặp tại vùng cực

  •  
  • 415

Một quả khí cầu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) di chuyển qua khu vực Bắc Cực đã chụp được hình ảnh những đám mây màu xanh lam hiếm gặp trên bầu trời đêm.

Hiện tượng trên còn được biết đến với tên gọi mây dạ quang hoặc mây tầng giữa vùng cực (PMCs). Hiểu biết tốt hơn về hiện tượng bất thường này sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu sự nhiễu loạn trong khí quyển, góp phần đưa ra các dự báo thời tiết chính xác hơn trong tương lai.

Mây dạ quang
Mây dạ quang.

Những đám mây dạ quang có thể được quan sát ngay sau khi Mặt Trời lặn tại các vùng cực trong suốt mùa hè. Bầu khí quyển ở tầng cao có nhiệt độ thấp, khiến hơi nước ngưng tụ và đóng băng xung quanh các hạt bụi cực nhỏ như bụi sao băng. Khi tinh thể băng đá tích tụ đủ nhiều, chúng ta có thể quan sát nhiều dải mây màu xanh lam sáng lấp lánh, phụ thuộc vào mật độ của hạt băng bên trong đám mây.

"Máy quay của chúng tôi có khả năng bắt gặp một số sự kiện thực sự thú vị. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm hiểu biết mới về các quá trình động lực học phức tạp liên quan đến mây dạ quang", Dave Fritts, người đứng đầu nhiệm vụ PMC Turbo của NASA, cho biết.

Trong nhiệm vụ này, NASA phóng một khí cầu khổng lồ để nghiên cứu PMCs ở độ cao 80km so với mặt đất. Khí cầu đã trôi nổi trong tầng bình lưu 5 ngày và chụp hơn 6 triệu bức ảnh có độ phân giải cao.

Sóng trọng lực trong khí quyển – gây ra bởi khối không khí bị đẩy lên cao khi chúng gặp chướng ngại vật như những dãy núi – cũng góp phần hình thành các đám mây dạ quang.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể hình dung được dòng chảy năng lượng từ các sóng trọng lực lớn hơn đến những dòng chảy không ổn định nhỏ hơn và sự nhiễu loạn trong khí quyển ở tầng cao", Fritts nói.

Cập nhật: 31/10/2018 Theo KHPT
  • 415