Tượng chàng David là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của Michelangelo, bậc thầy hội họa thời Phục Hưng người Italy.
Những tác phẩm nghệ thuật hiếm khi tồn tại qua nhiều thập kỷ mà không đi kèm một vài câu chuyện thú vị xoay quanh chúng – tượng David không phải là ngoại lệ. Từ khi Michelangelo lần đầu chọn khối đá để tạo tác, cho đến tận thời đại ngày nay, tác phẩm bằng đá cẩm thạch nổi tiếng thế giới ẩn chứa bên trong những câu chuyện đầy thú vị mà có lẽ bạn chưa từng nghe đến.
Bức tượng cao gần 5,2m mà chúng ta biết đến ngày nay suýt nữa đã không hề tồn tại.
Vào năm 1464, một bức tượng về vị anh hùng David trong Kinh Thánh đã được đặt hàng để trang trí cho nhà thờ Florence. Kế hoạch ban đầu là sử dụng một loạt các bức tượng miêu tả cả những nhân vật thần thoại và những hình tượng từ Kinh Thánh để tô điểm cho nhà thờ. Agostino di Duccio, một sinh viên của Donatello, được giao trọng trách tạc ra bức tượng David, vị anh hùng nổi tiếng đã chiến đấu với Goliath.
Agostino đã chọn một khối đá cẩm thạch khổng lồ cho bức tượng của mình, nhưng rốt cuộc anh chỉ làm được một phần nhỏ ở chân của David. Ủy ban đảm nhiệm việc trang trí nhà thờ đã thuê Antonio Rossellino vào thay vị trí của Agostino. Nhưng sau khi nhìn thấy khối cẩm thạch mà người tiền nhiệm đã chọn, Rossellino nói rằng nó có chất lượng quá thấp, không thể tiếp tục được.
Và thế là khối đá bị ruồng bỏ đã phải đứng ngoài trời, không ai đụng đến, trong ít nhất 25 năm, cho đến năm 1501. Nó bị thời tiết làm hao mòn đến mức nhiều người nhìn vào chỉ biết tặc lưỡi ngán ngẩm. Tuy nhiên, ở độ tuổi 26, Michelangelo đã chấp nhận công việc tạc nên chàng David từ khối vật liệu thô này. Ông dự tính hoàn thành trong vòng 2 năm, nhưng phải đến năm 1504 mới xong việc. Dẫu vậy, việc Michelangelo tạc được bức tượng David huyền thoại thực sự là một thành tích đáng nể: nhiều chuyên gia phân tích ngày nay sau khi xem xét khối cẩm thạch đã rút ra kết luận rằng nó quả thật có chất lượng thấp, chưa kể còn bị biến dạng và hao mòn sau nhiều năm lãng quên.
Ủy ban đã đặt hàng tượng David lên kế hoạch đặt bức tượng trên mái nhà, cùng với những bức tượng khác. Tuy nhiên, những bức tượng kia được làm từ các vật liệu có khối lượng nhẹ hơn, như đất nung chẳng hạn. Không cần phải nói cũng biết bức tượng David bằng đá cẩm thạch cao gần 5,2m "hơi" quá nặng để đứng trên mái nhà thờ sau khi được Michelangelo hoàn thành.
Bản sao tượng David trước cổng Palazzo Vecchio.
Tượng David sau đó được đặt ở một vị trí thấp hơn, có lẽ một phần là bởi tác phẩm hoàn thiện quá ấn tượng, đến mức nếu đặt kiệt tác điêu khắc như thế này trên mái nhà sẽ là một sự phí phạm không thể chấp nhận được.
Cuối cùng tượng David được đặt ở cổng vào Palazzo Vecchio, tòa thị chính của Florence. Tuy nhiên, năm 1873, bức tượng đã được chuyển đến một phòng trưng bày nghệ thuật. Bạn vẫn có thể thấy bản sao của nó ở Palazzo Vecchio, nhưng dù trông rất thuyết phục, nó vẫn không phải là hàng thật.
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ để ý thấy cánh tay phải của David trông lớn đến kỳ lạ. Đầu của anh chàng cũng lớn hơn bình thường một chút, và các chi tiết khuôn mặt của anh thì dường như đã bị phóng đại lên. Một số nhà sử học nghệ thuật cho rằng nguyên nhân có thể là vì ban đầu bức tượng được dự định đặt trên mái nhà, nên Michelangelo đã tinh chỉnh tỷ lệ để phù hợp với góc nhìn của người xem đứng bên dưới. Một số người khác thì tin rằng những chi tiết phi thực tế đó là nhằm hình tượng hóa sức mạnh hoặc tuổi trẻ của David.
Bức tượng này còn có bề ngang hẹp hơn hầu hết các tác phẩm khác của Michelangelo. Các bức điêu khắc của họa sỹ này thường to lớn và vạm vỡ, còn David thì trông khá mảnh khảnh. Các nhà sử học cho rằng đó là bởi khối cẩm thạch mà Michelangelo sử dụng có bề ngang hẹp hơn các vật liệu thô mà ông thường chọn.
Vấn đề càng phức tạp hơn khi mắt chàng David dường như hơi…lé (hay "lác"). Và một điều nữa đập vào mắt chúng ta là…của quý của anh chàng hơi bé so với tiêu chuẩn. Thực ra điều này không có gì đáng chê cười, vì có những bằng chứng lịch sử cho thấy người Hi Lạp cổ đại xem những người có của quý nhỏ là có sức quyến rũ hơn những người có của quý lớn.
Dù nhiều người xem bức tượng chàng David như một biểu tượng của tỷ lệ hoàn hảo giống những bức tượng Hi Lạp đã lấy cảm hứng từ nó, khi xem xét kỹ càng, bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều điểm phi nhất quán. Dù chúng ta có lẽ không bao giờ hiểu được động lực khiến Michelangelo tạc nên David theo cách ông đã làm, thì cũng như nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, sự "bất hoàn hảo" của nó mới chính xác là thứ khiến bản thân bức tượng trở nên thú vị.
Gần như chắc chắn rằng Michelangelo đã cố tình tạc tượng David không cân xứng với tỷ lệ thực tế. Tuy nhiên, điều không phải ai cũng biết là bản thân bức tượng còn bị mất cân bằng đôi chút nữa – và điều này có vẻ là do sai sót trong khâu thiết kế.
Trọng tâm của David không trùng với trọng tâm của phần đế, do đó ngay cả khi phần đế của tượng được đặt cân bằng, khối lượng của nó cũng được phân phối không đều. Điều này gây áp lực lên phần mắt cá chân – một trong những phần yếu nhất của bức tượng. Nếu bức tượng bị nghiêng dù chỉ một chút, áp lực lên phần mắt cá sẽ tăng lên rất nhiều. Trên thực tế, phần mắt cá chân của tượng David đã xuất hiện nhiều vết nứt!
Trong nhiều năm trời, tượng đã bị nghiêng, và đó có vẻ như là nguyên nhân khiến mắt cá bị nứt. (Khi David vẫn còn đứng ở tòa thị chính của Florence, ai cũng thấy nó hơi nghiêng một chút). Có chuyện kể lại rằng, một tia sét đánh trúng David vào năm 1511 đã khiến nó bị nghiêng. Tuy nhiên, khả năng cao hơn là việc mặt đất bên dưới dịch chuyển do nguyên nhân tự nhiên (Florence nằm gần nhiều đường đứt gãy địa chất đang hoạt động) đã kéo trọng tâm của tượng dịch chuyển theo.
Khi David được tạc nên, khỏa thân chốn công cộng chưa được chấp nhận nhiều như ngày nay, kể cả dưới hình thức nghệ thuật. Tượng David của Michelangelo là một trong những bức tượng khỏa thân đầu tiên ở châu Âu mà chúng ta từng biết đến từ thời cổ đại. Cho dù vậy, nhà cầm quyền Florence cũng đã đặt một vài chiếc lá bằng đồng xung quanh phần eo của chàng ta khi bức tượng được công bố. "Miếng vải che" này yên vị tại đó cho đến khoảng giữa những năm 1500.
Một bản sao của bức tượng tặng cho Nữ hoàng Victoria vào năm 1857 cũng được che chỗ nhạy cảm bằng một dải lá sung bằng thạch cao, để nữ hoàng và khách của bà không phải thấy bức tượng ở tư thế trần trụi. Sau đó, vào năm 1995, nhà cầm quyền tại Jerusalem đã từ chối nhận bản sao David làm quà, bởi họ cho rằng cư dân sẽ không hài lòng với vẻ ngoài hở hang của David.
Đối với nhiều người, tính chính trị của tượng David chỉ xoay quanh câu chuyện Kinh Thánh có nhân vật này mà thôi. Nhưng đối với Michelangelo, bức tượng còn là một tuyên bố chính trị. Một số người nhận định những chi tiết méo mó trên bức tượng là một cách an toàn để Michelangelo đưa ra bình luận về tình hình chính trị của Florence.
Khi David được tạc, Florence đang nằm dưới sự cai trị của Nhà Medici, một gia đình phong kiến trỗi dậy từ ngành công nghiệp ngân hàng. Gia đình này yêu nghệ thuật và đã góp phần khơi dậy thời kỳ Phục Hưng. Trên thực tế, Nhà Medici đã hỗ trợ nuôi nấng Michelangelo từ khi ông còn là một họa sỹ tay mơ vào năm 13 tuổi.
Tuy nhiên, Michelangelo lại có một mối quan hệ phức tạp với Nhà Medici. Trong Kinh Thánh, David nổi tiếng vì đánh bại được Goliath. Nhiều người nghĩ David là cách Michelangelo hình tượng hóa cuộc nổi dậy của Florence nhằm lật đổ nhà Medici, chủ yếu bởi ông đã tạc bức tượng khi gia đình này bị lưu đày. Sau đó, vào năm 1527, Michelangelo thiết kế nhiều pháo đài quân sự để giúp ngăn nhà Medici xâm nhập Florence.
Tượng David bản gốc trong bảo tàng.
Vào năm 1527, một lũ du côn đã tấn công tòa thị chính Florence và bức tượng David, ném tất cả mọi thứ trong tầm mắt ra khỏi cửa sổ.
David đã bị một băng ghế nặng đụng phải trong cuộc bạo loạn, làm tay trái của anh bị gãy. Tuy nhiên, cánh tay này sau đó đã được sửa chữa, giống như nhiều dấu tích thiệt hại nhỏ hơn tích lũy trên bức tượng trong suốt nhiều năm.
David đã gây bất ngờ khi tồn tại qua nhiều sóng gió suốt hàng thế kỷ. Tuy nhiên, một cuộc tấn công bất ngờ vào năm 1991 – khá lâu sau khi nó "chuyển nhà" vào bảo tàng - lại khiến bức tượng hư hại.
Một gã với một cây búa đã đột nhập vào bảo tàng Florence, phá vỡ một phần ngón chân của David trước khi chính quyền ngăn hắn lại. Khi bị hỏi lý do tấn công, gã nói rằng người mẫu trong một bức họa hồi thế kỷ 16 đã bảo hắn phải làm vậy. Năm 2005, cũng gã này tiếp tục tấn công một bảng huy chương kỷ niệm ở Florence với một hộp sơn xịt bởi nó có chứa "một câu chẳng có chút nghĩa lý gì".
May thay, mọi mẩu ngón chân bị vỡ đã được thu thập đủ, và bức tượng đã được sửa chữa hoàn chỉnh. Nhưng giữa những cuộc tấn công, những trận động đất, và những sự kiện không thể dự đoán được khác, tương lai của David vẫn rất bất định – và quả thực, việc một bức tượng được tạc từ một khối đá chẳng ai ưa nổi và còn bị hao mòn bởi nhiều yếu tố vẫn tồn tại gần như hoàn hảo đến ngày nay đã là một kỳ tích ấn tượng rồi!