Những hành động "ngớ ngẩn" mà con người vẫn làm hàng ngày

  •  
  • 6.669

Cùng lý giải hành động "độc thoại", nhớ nhầm lời bài hát... dưới góc nhìn khoa học.

Trong cuộc sống, có những hành động con người dù hơi “ngớ ngẩn” nhưng ta vẫn làm thường ngày, và dường như nó lại rất phổ biến. Cùng đi tìm lời giải khoa học cho những sự "ngớ ngẩn" đó qua bài viết dưới đây.

1. Tự nói chuyện với bản thân

Không ít lần chúng ta bị bắt gặp khi đang lớn tiếng tự trách mắng hoặc tự nói chuyện, hỏi bản thân điều gì đó. Nhà tâm lý học Zelimir Skocillic đưa ra lời giải thích cho hành động này: “Việc một người tự nói chuyện với bản thân có thể xuất phát từ lý do không có ai để chia sẻ. Do vậy, họ bắt đầu bày tỏ quan điểm bằng cách nói lên những suy nghĩ bên trong của mình”.

Hay như nhà nghiên cứu Jadranka Jelcic cũng nói rằng: “Một vài người tự nói chuyện bất cứ khi nào cảm thấy buồn, lo lắng hoặc bị căng thẳng. Đồng thời, người đó có thể đang mong muốn một ai đó sẽ tình cờ nghe thấy được suy nghĩ của chính mình”.

Những hành động "ngớ ngẩn" mà con người vẫn làm hàng ngày

Khoa học khám phá ra rằng, đây không chỉ là thói quen kỳ lạ của đa số mọi người mà còn có thể là dấu hiệu tốt. Tự nói chuyện là một phần tất yếu trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ, giúp cho việc học và ghi nhớ trở nên dễ dàng hơn. Nghiên cứu cho thấy, những sinh viên tự nói chuyện với bản thân thường có kết quả học tập tốt hơn.

Tuy nhiên, khi đến tuổi đi học, trẻ nhỏ không được phép tự nói chuyện vì theo người lớn, đây là “hành vi không tốt”. Nhưng thói quen này không biến mất hoàn toàn mà phát triển thành “giọng nói bên trong” khi các em lớn lên.

Theo nghiên cứu của ĐH British Columbia, giọng nói bên trong, hay còn gọi là độc thoại nội tâm có cách hoạt động tương tự như khi chúng ta đối thoại thông thường, chính vì vậy ta có thể “nghe” được giọng nói bên trong của chính mình dù không nói thành tiếng.

2. Nói dối về việc đã từng xem một bộ phim/một quyển sách

Chúng ta thường vô thức nói với bạn bè rằng mình đã từng xem qua một bộ phim/đọc một quyển sách trong khi thực tế lại không phải như vậy. Vậy đâu là lý do của hành động này?

Những hành động "ngớ ngẩn" mà con người vẫn làm hàng ngày

Giáo sư tâm lý học Wade Rowatt tại trường ĐH Baylor cho biết: “Nói dối về việc đã từng xem hoặc yêu thích một bộ phim có thể là một hành động tự phát". Điều này có nghĩa là lời nói dối cứ thế tự động bật ra chứ không phải là chủ ý ban đầu của người nói.

Tại sao họ lại làm vậy? Lý do là bởi việc phóng đại sự thật này có thể giúp cho cuộc nói chuyện trở nên sôi nổi và tránh rơi vào trạng thái im lặng. Rowatt phân tích: “Nếu bạn chưa từng xem qua bộ phim hoặc đọc cuốn sách, cuộc nói chuyện sẽ dừng lại ngay ở đó và không khí trở nên ngại ngùng. Việc nói sai sự thật đơn thuần chỉ giúp cho cuộc đối thoại không đi vào bế tắc mà thôi".

Bên cạnh đó, nói dối về việc xem phim/đọc sách giúp cho chúng ta có vẻ thông minh hơn thực tế. Cuộc điều tra trên 2.000 người tại Anh chỉ ra rằng, 62% người Anh đã từng nói dối về việc đọc tiểu thuyết để được mọi người nhìn nhận mình là người “tri thức”, được đánh giá cao hơn những hành động đánh bóng bản thân khác như đeo kính, đổi màu tóc...

3. Đẩy cửa trong khi đáng lẽ ra phải kéo

Dù cẩn thận tới đâu nhưng ít nhất một lần, chúng ta cũng từng lâm vào tình huống ra sức đẩy một chiếc cửa trong khi đáng lẽ ra phải kéo nó.

Những hành động "ngớ ngẩn" mà con người vẫn làm hàng ngày

Hiện tượng này được nhà nghiên cứu Donald A.Norman đặt tên là “perceived affordance”. Nó có nghĩa là những hành động con người nhầm lẫn khi tương tác với một thiết bị hoặc đồ vật. Theo các nhà khoa học, đa số cửa gồm 2 mặt, một mặt phải đẩy và một mặt phải kéo.

Lỗi của các kiến trúc sư và nhà thiết kế là chỉ chú tâm làm ra những chiếc cửa cả hai chiều đều y hệt nhau vì lý do “thẩm mỹ”. Kết quả tất yếu là nhầm lẫn xảy ra. Chúng ta sẽ đẩy phía cửa đáng lẽ ra phải kéo và ngược lại. Cho dù đã treo biển “đẩy vào”, “kéo ra” nhưng vấn đề này vẫn không thể giải quyết triệt để.

4. Nghe nhầm lời bài hát

Nhầm lời bài hát là một hiện tượng xảy ra phổ biến. Nghiên cứu của Tiến sĩ Wei Ji Ma về đọc khẩu hình miệng tiết lộ, chúng ta dễ bị nghe nhầm khi không nhìn vào miệng người khác khi nói (hoặc hát). Bên cạnh đó, khả năng nghe hiểu càng trở nên khó khăn hơn khi môi trường xung quanh ồn ào hoặc bị lấn át bởi tiếng nhạc quá to.

Những hành động "ngớ ngẩn" mà con người vẫn làm hàng ngày

Tiến sĩ chia sẻ: “Chúng tôi phát hiện ra rằng, quá trình nghe hiểu được cải thiện hơn rất nhiều khi người nghe nhìn thẳng vào mặt người nói. Bạn rất dễ nhầm lẫn nếu chỉ tiếp nhận thông tin dưới dạng âm thanh. Nhưng khi nhận thông tin dưới cả hình thức thị giác, tình hình được cải thiện hơn rất nhiều".

Tiến sĩ Ma cho biết, bạn thường nghe nhầm lời bài hát vì âm thanh bạn nghe được không phải lúc nào cũng chuẩn xác. Tiếng ồn ào xung quanh, ca sĩ hát quá nhanh, phát âm không chuẩn đều có thể ảnh hưởng đến thông tin bạn nghe được. Đó là bước đầu tiên. Ở bước thứ hai, não sẽ kết hợp thông tin nghe được với những thông tin bạn vốn có, ví dụ như đức tin hoặc sự kỳ vọng.

Bên cạnh đó, sự dạy dỗ và tính cách cũng ảnh hưởng tới việc một người có thể nghe chuẩn xác hay nghe nhầm lời bài hát. Vốn từ và hiểu biết càng rộng bao nhiêu thì khả năng nghe nhầm lời của bạn càng thấp bấy nhiêu.

Theo PLXH
  • 6.669