Những loài vật có tiếng kêu lớn nhất thế giới

  •   32
  • 5.056

Nhiều động vật nhỏ bé như ve sầu có thể phát ra âm thanh lớn không kém cá nhà táng.

Sư tử

Để đo âm thanh, các nhà nghiên cứu sử dụng đơn vị decibel (dB) dùng cho áp suất âm thanh và hertz (Hz) với tần số âm thanh.
Để đo âm thanh, các nhà nghiên cứu sử dụng đơn vị decibel (dB) dùng cho áp suất âm thanh và hertz (Hz) với tần số âm thanh. Mỗi nốt nhạc đến tai con người ở một tần số khác nhau: nốt càng cao thì chỉ số Hz càng cao. Tầm nghe của con người khoảng từ 0 đến 125 dB. Âm thanh dưới 40 dB rất khó để nghe thấy, trên 105 dB thì tai sẽ bị đau và trên 115 dB trong khoảng thời gian dài sẽ gây điếc vĩnh viễn. Trong khi đó, con người có thể nghe được tần số từ 20 Hz đến 20.000 Hz (tương ứng với 20 kHz). Nhiều âm thanh nằm trong phạm vi này, từ những bài hát nhỏ của cá voi xanh đến tiếng gọi the thé khi cầu cứu của loài chuột. (Ảnh: National Geographic).

Cá nhà táng

Cá nhà táng phát ra âm thanh lên tới 230 dB.
Tiếng gọi của cá voi xanh to hơn tiếng động cơ máy bay phản lực khi cất cánh, được ghi nhận ở 188 dB, nhưng cá nhà táng phát ra âm thanh lớn hơn hẳn, lên tới 230 dB. Xét theo dB, cá nhà táng là động vật có tiếng kêu lớn nhất trên Trái Đất hiện nay. (Ảnh: Franco Banfi/naturepl.com).

Tôm gõ mõ

Tôm gõ mõ hay còn gọi là tôm súng, nổi tiếng với âm thanh chói tai khi tấn công.
Tôm gõ mõ hay còn gọi là tôm súng, nổi tiếng với âm thanh chói tai khi tấn công. Loài động vật giáp xác này có móng vuốt đặc biệt có thể quắp với tốc độ cao tới mức tạo ra một bong bóng dưới áp suất cực thấp. Điều này có nghĩa bong bóng nhanh chóng vỡ ra khi gặp nước bên ngoài, tạo ra sóng xung kích ở tần suất 200 dB. Tôm gõ mõ tấn công trong thời gian rất ngắn: bong bóng hình thành và vỡ trong chưa tới 0,001 giây. (Ảnh: Constantinos Petrinos/naturepl.com).

Rệp nước

Rệp nước sản sinh âm thanh ở 99 dB bằng cách cọ xát dương vật lên bụng nó.
Một loài động vật thủy sinh nhỏ bé cũng có khả năng phát ra âm thanh lớn là rệp nước (Micronecta Scholtzi). Rệp nước sản sinh âm thanh ở 99 dB bằng cách cọ xát dương vật lên bụng nó. Đây là một kỷ lục do decibel trong nước không tương đương với decibel trong không khí. "Nước nặng hơn không khí, do đó tốc độ âm thanh khác nhau", BBC dẫn lời chuyên gia âm thanh sinh học James Windmill tại Đại học Strathclyde, Anh. "Để chuyển từ dB trong nước sang dB trong không khí phải trừ đi khoảng 61dB". Theo Windmill, âm thanh do loài rệp tạo ra dưới nước tương ứng với 160 dB. (Ảnh: BBC).

Voi

Voi tạo ra âm thanh lớn đến mức toàn thân chúng rung lên.
Nhiều động vật có vú gọi đồng loại ở khoảng cách xa. Để chắc chắn tiếng gọi đến được tai đồng loại, tiếng gầm hú của chúng phải thực sự lớn. Voi tạo ra âm thanh lớn đến mức toàn thân chúng rung lên, theo Joyce Poole, người đồng sáng lập tổ chức Elephant Voices. Âm thanh của loài voi đo được ở 103 dB với khoảng cách 5m và có thể làm điếc tai. (Ảnh: Anup Shah/naturepl.com).

Dơi Noctilio leporinus

Loài dơi Noctilio leporinus phát ra tiếng kêu ở 140 dB khi săn mồi trên các hồ tại Panama.
Loài dơi Noctilio leporinus phát ra tiếng kêu ở 140 dB khi săn mồi trên các hồ tại Panama. Tuy nhiên, trong khi voi tạo ra tiếng kêu ở tần số thấp thì dơi Noctilio leporinus phát ra âm thanh ở tần số quá cao, được xếp vào mức siêu âm 55 kHz. (Ảnh: Stephen Dalton/naturepl.com).

Ve sầu

Ve sầu giữ danh hiệu loài côn trùng ồn ào nhất thế giới.
Loài côn trùng giống dế có tiếng kêu inh ỏi và chúng thường chà xát chân vào nhau để tạo ra âm thanh giống rệp nước. Ve sầu giữ danh hiệu loài côn trùng ồn ào nhất thế giới. Trong những năm 1990, ve sầu châu Phi (Brevisana brevis) sở hữu tiếng kêu lớn nhất, trung bình ở mức 106,7 dB với khoảng cách 0,5 mét. Sau đó, Max Moulds tại Bảo tàng Sydney, Australia, ghi nhận loài ve sầu bản địa Cyclochila Australasiae kêu ở mức 120 dB trong cự ly gần. "Tuy nhiên, có 3.500 loài ve sầu trên thế giới và tương đối ít loài được đo áp suất âm thanh", Lindsay Popple, chuyên gia ve sầu ở Australia, cho biết. (Ảnh: Steven David Miller/naturepl.com).

Cập nhật: 04/04/2016 Theo VnExpress
  • 32
  • 5.056