Những "người đẹp lý tưởng" của giới mày râu

  •  
  • 1.606

Các nhà khoa học ở Intelligent Robotics Laboratory (Nhật Bản) vừa cho ra đời một mẫu robot (người máy) giống phụ nữ nhất trong số các người máy được chế tạo từ trước đến nay.

Yểu điệu thục nữ Replee Q1 – người đẹp Robot

“Nàng” được đặt tên là Repliee Q1. Da của nàng được làm không phải bằng nhựa cứng, mà bằng chất dẻo silicon. Nhờ hệ thống động cơ siêu nhỏ và các cảm biến, nàng có thể xoay trở và phản ứng như một con người trước những động thái của xung quanh. Nàng chớp chớp hàng mi và cử động chân tay một cách yểu điệu thục nữ, thậm chí, nàng còn tỏ ra là mình đang nhíu mày suy nghĩ và nhè nhẹ thở...

Giáo sư Hirosi Yshihuro của trường đại học Tổng hợp Osaka đã tạo ra vô số người máy rồi mới giác ngộ được một điều: ngoại hình đóng vai trò hết sức quan trọng!

Giáo sư cho biết: “Repliee Q1 có thể giao tiếp với con người, phản ứng đáp lại sự đụng chạm của con người. Tuy chúng tôi còn một số việc phải làm nữa, nhưng Nàng-Thơ-bằng-máy này cử động phong phú hơn, tự nhiên hơn các người máy khác”.

Trước khi tạo thành Repliee Q1, giáo sư Hirosi Yshihuro đã từng chế tạo người máy Repliee R1 giống hệt một cô bé Nhật Bản 5 tuổi, đầu và tứ chi cử động tương đối tự nhiên. Bên dưới làn da cánh tay bên trái của búp bê có gắn 4 cảm biến xúc giác với độ nhạy cao, nhờ đó, búp bê có thể phản ứng tuỳ theo cường lực của người đụng chạm.

Ít lâu sau, dưới sự chỉ đạo sâu sát của giáo sư, “cô gái Nhật Bản” được khai sinh với tính năng hoạt động được lập trình trên cơ sở phân tích mọi hoạt động của cơ thể con người. Hiện nay, giáo sư còn tiếp tục hoàn thiện công trình, sao cho Repliee được xem như người thật.

Cô nội trợ Valerie

Hồi đầu năm 2004, đã có thông báo về sự ra đời của người máy nội trợ Valerie do chuyên gia người máy Chris Willis (Texas, Mỹ) chế tạo. Valerie biết pha cà phê, lấy báo cho ông chủ, rửa bát đĩa, lau chùi bụi bặm và khá nhanh nhảu mồm miệng...

Theo lời Chris Willis thì Valerie được trang bị những vi mạch, hộp kỹ thuật số và đường truyền dẫn đạt đến độ “trên tài” những người máy hiện có như Asimo và Qrio...

Nhưng xem ra, để Valerie trở nên một thành phẩm hoàn chỉnh, Willis còn phải đặt hàng với nhiều hãng bên ngoài để có được những chi tiết “độc nhất vô nhị” theo bản vẽ của ông.

Trong mắt và miệng Valerie có những camera để mỗi khi cô ta mở miệng, ánh mắt, làn môi và cả chân tóc cũng có những động thái tương ứng. Điều quan trọng hơn cả là hoạt động của đôi tay người nội trợ.

Valerie có đôi tay đạt tới 40 cấp độ tự do. Trong khi cấp độ tự do của toàn thân một người máy hạng nhất Nhật Bản là Asimo chỉ được 35, thì hoạt động toàn thân của Valerie có số cấp độ tự do là 111.

Ông chủ có thể sai bảo và được cô nội trợ Valerie đáp ứng, hiện tại mới chỉ bằng một thứ tiếng Anh theo hai phương án: giọng Anh xịn, hoặc giọng Mỹ. Willis đang đề ra chỉ tiêu là sẽ làm cho Valerie nói được nhiều thứ tiếng hơn nữa.

Theo dặn dò của chủ, Valerie có thể ghi chép những việc cần làm trong ngày, rồi dọn dẹp nhà cửa, bày bàn ăn, thay bóng đèn điện bị cháy, rửa bát đĩa, gói ghém và mang vác đồ đạc với trọng lượng tối đa là 22,6 kg. Khi cần, gặp tình huống khẩn cấp, có thể gọi xe cấp cứu hoặc cảnh sát chữa cháy...

Cô người máy nội trợ này còn có khả năng lên mạng Internet để giúp chủ đặt mua vé máy bay hoặc thu thập thông tin mới nhất về đội bóng mà chủ ưa thích. Và- bạn có tin không?- cô người máy này còn biết tự... thay đồ.

Chris Willis là người đưa ra nhiều tuyên bố lạc quan, trong đó khẳng định rằng Valerie sắp được bán với giá 59.000 USD, được bảo hành trong thời hạn 2 năm, và khoảng mươi năm nữa, 10% dân số Mỹ sẽ được phục vụ tại nhà bởi những người máy nội trợ.

Đăng Bảy (Tổng hợp)

Theo Tiền Phong Online
  • 1.606