Những phương pháp "cân não" giải cứu trẻ em rơi xuống giếng trên thế giới

  •  
  • 308

Tai nạn trẻ em rơi xuống giếng hay hố sâu đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và nỗ lực giải cứu các bé luôn khiến mọi người thót tim.

Tại Mỹ, trong một sự kiện gây chú ý toàn thế giới, bé Jessica McClure, 18 tháng tuổi, được giải cứu sau khi bị mắc kẹt 58 giờ trong một giếng nước bỏ hoang ở Midland, bang Texas.

Bi kịch diễn ra vào sáng ngày 14/10/1987, khi McClure rơi xuống một cái giếng bỏ hoang khi đang chơi với những đứa trẻ khác ở sân sau vườn trẻ tại nhà của dì. Sau khi rơi khoảng gần 7 mét xuống giếng, bé gái này đã bị mắc kẹt.

Trong 2,5 ngày tiếp theo, các nhóm nhân viên cứu hộ, chuyên gia khai thác mỏ và tình nguyện viên địa phương đã làm việc suốt ngày đêm để khoan một cái hố song song với giếng mà McClure bị mắc kẹt.

Sau đó, họ đào đường hầm ngang qua lớp đá dày đặc để nối giếng với hố vừa đào. Một chiếc micrô được hạ xuống giếng để theo dõi đứa trẻ mới biết đi, để có thể nghe được tiếng khóc, tiếng bập bẹ và cả tiếng hát của cô bé.

Đêm ngày 16/10/1987, bé Jessica đã được đưa ra khỏi giếng một cách an toàn. Rất may, cô bé vẫn tỉnh táo và lanh lợi. Cuộc giải cứu được thực hiện trên truyền hình trực tiếp trước rất nhiều khán giả.

Sau khi được giải cứu, McClure phải nằm viện hơn một tháng và mất một ngón chân vì hoại tử.

Lực lượng cứu hộ làm việc để tiếp cận một cậu bé 5 tuổi bị mắc kẹt trong giếng ở Morrocco
Lực lượng cứu hộ làm việc để tiếp cận một cậu bé 5 tuổi bị mắc kẹt trong giếng ở thị trấn đồi phía bắc Chefchaouen, Marocco ngày 5/2/2022.

Tại Morocco, ngày 1/2/2022, cậu bé Rayan Awram, 5 tuổi, rơi xuống giếng sâu 32 mét tại ngôi làng Ighran ở thành phố Chefchaouen đã tạo ra một nỗ lực giải cứu khổng lồ thu hút cả nước. Giếng rộng 45 cm ở phần trên và đáy giếng bị thóp lại. Điều này khiến lực lượng cứu hộ không thể xuống trực tiếp.

Năm ngày sau, lực lượng cứu hộ cuối cùng đã tiếp cận được cậu bé sau khi loại bỏ phần lớn sườn đồi liền kề và khéo léo đào một lối đi ngang vào giếng.

Tuy nhiên, thật không may, cậu bé đã qua đời mặc dù hàng trăm người đã nỗ lực để giành giật sự sống cho cậu.


Người dân tập trung khi lực lượng cứu hộ cố gắng tiếp cận cậu bé bị mắc kẹt ở Afghanistan.

Tại Afghanistan, ngày 15/3/2022, cậu bé Haidar khoảng 5 tuổi, trượt xuống đáy giếng sâu 25 mét ở Shokak, một ngôi làng bị hạn hán tàn phá ở tỉnh Zabul, cách thủ đô Kabul khoảng 400 km về phía tây nam.

Ông nội 50 tuổi của cậu bé nói với hãng tin AFP rằng Haidar đã rơi xuống giếng khi ông đang cố gắng giúp những người lớn đào một giếng mới trong ngôi làng khô cằn.

Lực lượng cứu hộ đã làm việc không ngừng nghỉ để cứu cậu bé. Họ đã đào một rãnh hở từ một góc trên bề mặt để cố gắng tiếp cận điểm cậu bé bị mắc kẹt sau khi được kéo lên khoảng 10 mét từ đáy giếng. Sau 3 ngày, mặc dù đã cố gắng hết sức, đội cứu hộ đã không thể cứu được cậu.

Trước thông báo về cái chết của cậu bé, phát ngôn viên cảnh sát Zabul Zabiullah Jawhar cho biết: “Đội cứu hộ phải đối mặt với một trở ngại mới và một tảng đá đã ngăn cản họ đào thêm. Chúng tôi lo ngại rằng bụi có thể rơi vào cậu bé, có thể chúng tôi sẽ mất cậu ấy, vì vậy chúng tôi đã làm việc cẩn thận”.

Tại Ấn Độ, ngày 10/6/2022, cậu bé 10 tuổi Rahul Sahu vừa bị câm và điếc, đã rơi xuống giếng sâu hơn 24 mét ở bang Chhattisgarh. Quân đội và khoảng 500 người từ Lực lượng ứng phó thảm họa của Ấn Độ đã nỗ lực ngày đêm, vượt qua thời tiết xấu, địa hình sỏi đá với nhiều rắn độc, bò cạp để cứu cậu bé.

Được trang bị máy xúc đất và robot, đội cứu hộ đã đào một cái hố sâu hơn 21 mét song song với giếng. Sau đó, một đường hầm dài khoảng 4,5 mét được tạo ra, nối hố trên với giếng để đưa cậu bé đến nơi an toàn.


Video giải cứu cậu bé Rayan Awram ở Morocco.

Cập nhật: 04/01/2023 GDTĐ
  • 308