Các bệnh viện và cơ sở y tế Mỹ thường được đánh giá cao về cơ sở vật chất, trang thiết bị và trình độ của đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên, chính tại những nơi này lại xảy một số sai sót nghiêm trọng đến khó tin.
Khi Nancy Andrews có bầu sau một quá trình thụ tinh ống nghiệm tại cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ sinh sản ở New York, cô và chồng đã rất mong chờ sự ra đời của đứa con tương lai. Điều họ không mong đợi là một đứa trẻ có làn da sẫm màu hơn nhiều so với cả cha và mẹ. Các xét nghiệm ADN sau đó cho thấy, các bác sĩ ở Trung tâm Sinh sản New York đã vô tình sử dụng tinh trùng của một người đàn ông lạ để thụ tinh cho trứng của cô Andrews.
Sau khi phát hiện sự thật, vợ chồng Andrews vẫn hết lòng chăm sóc và dành tình yêu vô bờ bến cho bé Jessica, sinh ngày 19/10/2004. Tuy nhiên, họ vẫn đệ đơn ra tòa kiện chủ của Trung tâm Sinh sản New York cũng như những chuyên gia phôi học đã sơ suất làm lẫn các mẫu tinh trùng.
Jésica Santillán, 17 tuổi, đã qua đời sau 2 tuần được cấy ghép tim và phổi của một người hiến tặng có nhóm máu không phù hợp với em. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Duke (Mỹ) đã không kiểm tra tính tương thích của nhóm máu trước khi tiến hành phẫu thuật. Sau một ca cấy ghép hiếm hoi thứ hai để cố gắng khắc phục sai sót, Santillán bị tổn thương não và gặp các biến chứng đẩy nhanh em tới cái chết.
Santillán, một người nhập cư Mexico, đã đến Mỹ 3 năm trước khi tìm kiếm sự điều trị y tế cho căn bệnh tim đe dọa tính mạng. Việc cấy ghép tim và phổi do các bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina tiến hành, từng được hy vọng sẽ cải thiện tình trạng bệnh tật cho cô gái, nhưng thực tế lại đẩy em vào mối nguy hiểm lớn hơn.
Santillán, người có nhóm máu O, đã nhận các nội tạng cấy ghép từ một người hiến tặng thuộc nhóm máu A. Sai sót đã đưa cô gái vào trạng thái hôn mê và qua đời không lâu sau nỗ lực chuyển đổi các nội tạng không tương thích. Bệnh viện đổ lỗi sự cố do lỗi của con người cũng như sự thiếu biện pháp đảm bảo việc cấy ghép tương thích. Theo nhiều bài báo, Bệnh viện Đại học Duke đã đạt được thỏa thuận kín với gia đình nạn nhân về vụ việc và không đưa ra bất kỳ bình luận nào xung quanh cái chết của Santillán.
Trong một trường hợp phẫu thuật thảm họa khác, các bác sĩ ở Trung tâm y tế Tây Los Angeles đã nhầm lẫn cắt bỏ tinh hoàn bên phải khỏe mạnh của cựu chiến binh không quân Benjamin Houghton, 47 tuổi. Bệnh nhân trước đó đã phàn nàn về các cơn đau và sự co rút ở tinh hoàn bên trái của ông, vì vậy, các bác sĩ đã quyết định sẽ phẫu thuật loại bỏ nó vì sợ biến chứng thành ung thư. Tuy nhiên, hồ sơ chữa trị y tế của cựu chiến binh Houghton cho thấy hàng loạt sai lầm - từ một lỗi về cách thức chấp thuận phẫu thuật tới thất bại về phần các nhân viên y tế trong việc khoanh vùng phẫu thuật phù hợp trước khi làm thủ thuật. Các sai sót đã dẫn tới vụ kiện đòi bồi thường 200.000 USD của vợ chồng Houghton.
Donald Church, 49 tuổi, có một khối u trong bụng khi ông đến Bệnh viện Đại học Washington ở Seattle để chữa trị vào tháng 6/2000. Khi rời trung tâm y tế này, khối u trong bụng ông Church đã được loại bỏ nhưng thế chỗ nó lại là một cái banh vết mổ bằng kim loại. Các bác sĩ thừa nhận đã vô tình "quên" chiếc banh vết mổ dài 33cm trong bụng ông Church. Đây không phải là sự cố đầu tiên như vậy ở cơ sở này.
Bốn vụ sai sót tương tự khác đã được ghi nhận xảy ra tại Bệnh viện Đại học Washington từ năm 1997 đến năm 2000. May mắn thay, các bác sĩ phẫu thuật rốt cuộc đã có thể lấy cái banh vết mổ kim loại ra không lâu sau khi phát hiện ra sai sót và ông Church cũng không phải hứng chịu tổn hại sức khỏe lâu dài vì sơ suất đó. Bệnh viện Đại học Washington cũng nhất trí bồi thường 97.000 USD cho bệnh nhân không may mắn.
Joan Morris, 67 tuổi, được đưa vào bệnh viện để chụp động mạch não. Ngày hôm sau, bà đã bị chỉ định trải qua quá trình kiểm tra điện tâm đồ một cách nhầm lẫn. Sau khi chụp động mạch, bệnh nhân được chuyển đến một tầng khác thay vì được đưa trở lại giường bệnh ban đầu của bà.
Trước đó, các bác sĩ điều trị đã lên kế hoạch cho bà Morris xuất viện vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, sáng hôm sau, bà Morris đã bị đưa vào phòng phẫu thuật tim. Bệnh nhân đã nằm trên bàn mổ được một giờ đồng hồ và các bác sĩ đã tạo một vết rạch ở háng của bà, xuyên thủng một động mạch, luồn vào một ống dẫn ngoằn ngoèo tới tim của bà (một quá trình với nhiều nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng, đau tim và đột quỵ).
Đúng lúc đó, điện thoại reo vang và một bác sĩ thuộc một khoa khác cất tiếng hỏi: "Các anh đang làm gì với bệnh nhân của tôi thế?". Thực tế không có bất cứ trục trặc gì với tim của bà Morris. Vị bác sĩ tim mạch đang phẫu thuật cho nữ bệnh nhân này kiểm tra biểu đồ của bà và nhận thấy ông đã mắc một sai lầm khủng khiếp. Cuộc phẫu thuật được hủy bỏ và bà Morris được đưa trở về phòng bệnh ban đầu trong tình trạng ổn định.
Lần thứ 3 trong cùng 1 năm, các bác sĩ tại Bệnh viện đảo Rhode (Mỹ) đã phẫu thuật nhầm bên đầu của bệnh nhân. Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào ngày 23/11/2007. Một phụ nữ 82 tuổi được chỉ định phẫu thuật để ngăn chặn việc chảy máu giữa não và hộp sọ của bà.
Một chuyên gia giải phẫu thần kinh tại bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật bằng cách khoan phía bên phải đầu bệnh nhân, ngay cả khi chụp CT cho thấy xuất huyết ở phía bên trái đầu. Tuy nhiên, bệnh nhân cuối cùng được đưa vào phòng hậu phẫu trong tình trạng sức khỏe ổn định sau khi được khắc phục sai sót phẫu thuật ban đầu.
Vụ việc trên đã tái lặp lỗi tương tự hồi tháng 2/2007, khi một bác sĩ khác cũng thuộc Bệnh viện đảo Rhode phẫu thuật não nhầm bên cho một bệnh nhân. Sự cố tương tự cũng xảy ra sau đó vào tháng 8/2007 khi một người đàn ông 86 tuổi qua đời 3 tuần sau khi các bác sĩ tại cơ sở y tế này tiếp tục nhầm lẫn phía đầu cần phẫu thuật cho ông.
Trong vụ sai sót phẫu thuật được biết đến nhiều nhất vào thời điểm xảy ra nó, một bác sĩ ở Tampa, bang Florida (Mỹ) đã cắt cụt nhầm chân của bệnh nhân Willie King, 52 tuổi vào tháng 2/1995. Cuộc điều tra sau đó hé lộ hàng loạt sai lầm diễn ra trước ca phẫu thuật. Mặc dù giữa quá trình phẫu thuật, nhóm bác sĩ đã nhận ra họ đang phẫu thuật nhầm chân nhưng lúc đó tất cả đã quá muộn, chân của bệnh nhân đã bị cắt cụt.
Do sự cố này, vị bác sĩ phẫu thuật chính bị thu hồi giấy phép hành nghề trong 6 tháng, phải nộp phạt 10.000 USD và bồi thường 250.000 USD cho ông King. Bệnh viện Đại học cộng đồng ở Tampa, nơi diễn ra ca phẫu thuật, cũng phải bồi thường 900.000 USD cho nạn nhân.
Ông Morson Tarason, 79 tuổi, được vào bệnh viện Đại học Pennsylvania (bang Philadelphia) để giải phẫu chữa trị lá phổi bên trái; nhưng thay vì chữa trị lá phổi bị bệnh đó, các bác sĩ đã cắt nhầm lá phổi tốt bên phải! Đau lòng hơn, sau khi các bác sĩ đã biết được sự nhầm lẫn của mình, họ bèn âm thầm và thản nhiên hẹn cụ trở lại bệnh viện để làm một ca giải phẫu thứ hai để chữa trị lá phổi trái!