Thợ mộc Đức phát minh van khóa tinh trùng

  •   3,33
  • 6.570

Clemens Bimek, một thợ mộc người Đức phát minh chiếc van ngắt dòng chảy tinh trùng từ tinh hoàn của đàn ông, khiến người đó vô sinh tạm thời.

Theo Telegraph, Bimek tuyên bố phát minh này sẽ cách mạng hóa các biện pháp tránh thai, bằng cách cho phép nam giới chủ động khóa dòng chảy tinh trùng của mình chỉ bằng một công tắc.

Bimek cho biết, ý tưởng thiết kế chiếc van này có từ 20 năm trước, khi ông được xem một bộ phim tài liệu về các biện pháp tránh thai và nảy ra suy nghĩ liệu có thể kiểm soát dòng chảy của tinh trùng chỉ bằng một chiếc van đơn giản không.

Khi phát hiện chưa ai nộp đơn xin bằng sáng chế cho thiết bị như vậy, ông quyết định phát triển nó.

"Nhiều bác sĩ tôi xin tư vấn cho rằng tôi đang đùa. Tuy nhiên, có một số động viên tôi mày mò chế tạo, và dùng kiến thức chuyên môn tư vấn cho tôi", Bimek nói.

Chiếc van này có thể khiến đàn ông vô sinh tạm thời.
Chiếc van này có thể khiến đàn ông vô sinh tạm thời.

Chiếc van do Bimek phát triển dự kiến được cấy vào 25 người đàn ông trong cuộc thử nghiệm bắt đầu từ năm nay.

Chiếc van nhỏ xíu dài chưa tới 2,5cm, nhẹ hơn 2,8 gram sẽ được cấy vào ống dẫn tinh trong ca tiểu phẫu kéo dài khoảng nửa giờ. Chúng được điều khiển bằng một công tắc tắt-bật đơn giản ở dưới da bìu.

Bimek hiện là người duy nhất cấy van này, bằng cách gây tê tại chỗ. Hartwig Bauer, bác sĩ tiết niệu - người đã cấy cho Bimek đánh giá, chiếc van này lý tưởng hơn tiểu phẫu thắt ống dẫn tinh.

"Một phần ba số người thắt ống dẫn tinh muốn tháo ống sau đó, nhưng không phải lúc nào cũng có con lại được bằng cách tự nhiên", Bauer nói.

Một số bác sĩ khác lo ngại về công nghệ van khóa tinh trùng mới này.

"Tôi cho rằng cấy van sẽ gây ra sẹo ở ống dẫn tinh", Wolfgang Buhmann, phát ngôn viên của hiệp hội bác sĩ tiết niệu Đức nói. Sẹo này có thể chặn tinh trùng chảy vào dương vật, ngay cả khi không khóa van.

Ông cảnh báo, chiếc van có thể bị tắc theo thời gian, nếu ở quá lâu trong cơ thể.

"Những bộ phận cấy ghép khác làm bằng vật liệu này từ trước tới nay cho thấy dung nạp tốt với mọi nơi trong cơ thể", Anneke Loos, người đứng đầu một trung tâm thử nghiệm các sản phẩm y tế tại Hannover cho biết.

"Câu hỏi đặt ra là, liệu nó có gây rắc rối khi được cấy vào khu ống dẫn tinh".

Cập nhật: 06/01/2016 Theo VnExpress
  • 3,33
  • 6.570