Những sự kiện thiên văn đáng xem năm 2012

  •  
  • 2.915

Năm 2012, người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều hiện tượng kỳ thú như trăng xanh, nhật thực toàn phần, đặc biệt là hiện tượng Kim Tinh sượt qua Mặt Trời. Dưới đây là một số sự kiện thiên văn đáng mong đợi nhất năm 2012.

Mưa sao băng. Năm 2012 được dự báo sẽ là năm lý tưởng cho những người thích ngắm sao băng bởi những trận mưa sao băng sẽ không bị Mặt Trăng làm phiền như năm 2011.

Mở màn của mưa sao băng và cũng là của các hiện tượng thiên văn đáng chú ý năm nay là sự kiện lúc sáng sớm 3 và 4-1. Khi đó, người yêu thiên văn có thể chiêm ngưỡng mưa sao băng Quadrantids. Đây là trận mưa sao băng cỡ trung bình, diễn ra vào khoảng từ mùng 1 tới mùng 5-1 hằng năm.

Chuẩn bị quan sát sao băng tại một địa điểm ở Hà Nội năm 2011
Chuẩn bị quan sát sao băng tại một địa điểm ở Hà Nội năm 2011.

Trận này có trung tâm là chòm sao Bootes, cực điểm sẽ rơi vào đêm 3 và 4-1. Nếu thời tiết thuận lợi, khoảng sau 2h00 sáng mùng 3 và 4-1 tới, nhìn về bầu trời phía đông, ta sẽ thấy chòm sao Bootes mọc lên. Đó là tâm điểm của mưa sao băng.

Nhiều hành tinh về gần Trái Đất nhất. Năm 2012 sẽ chứng kiến nhiều hành tinh trong Hệ Mặt Trời về gần Trái Đất nhất. Khởi đầu là ngày 3-3, Hỏa Tinh sẽ gần Trái Đất nhất trong chu kì của nó. Tiếp đó, đến ngày 15-4, Thổ Tinh ở vị trí đối lập lớn nhất với Trái Đất. Sang ngày 24- 8, Thủy Tinh sẽ nằm ở vị trí gần nhất. Và tới ngày 29- 9, Thiên Vương Tinh chuyển động về vị trí gần nhất.

Kim Tinh và Mộc Tinh hội ngộ. Đây cũng là hai hành tinh sáng nhất, đặc biệt là Mộc Tinh, có thể quan sát trên thiên cầu. Vào tối 14-3 hai hành tinh này sẽ nằm rất gần nhau, chỉ cách nhau ba độ trên bầu trời. Rất hiếm khi có thể thấy hai đốm sáng đẹp nhất bầu trời nằm cạnh nhau ngay cả bằng mắt thường.

Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trời và Mặt Trăng nằm chính xác trên một đường thẳng, nhưng kích cỡ biểu kiến của Mặt Trăng nhỏ hơn kích cỡ biểu kiến của Mặt Trời. Vì thế Mặt Trời vẫn hiện ra như một vòng đai rực rỡ bao quanh Mặt Trăng.

Lần diễn ra vào ngày 20-5 tới đây được quan sát dễ nhất ở giữa Thái Bình Dương. Chỉ một phần Bắc Mỹ, Bắc Á và Đông Á quan sát được. Tại Việt Nam (VN) quan sát được pha nửa tối của hiện tượng này.

Trăng đỏ. Nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra vào đêm 28-11 với màu phớt đỏ của Mặt Trăng tuy không đỏ sẫm như với nguyệt thực toàn phần hay một phần. Đây cũng là dịp để chúng ta quan sát kĩ bề mặt thiên thể này qua kính thiên văn. VN sẽ quan sát được trọn vẹn hiện tượng này.

Theo Tiền Phong
  • 2.915