Sứa giúp ba nhà khoa học đoạt Nobel hóa học

  •   12
  • 951

Hai nhà khoa học Mỹ và một giáo sư Nhật giành giải Nobel hóa học nhờ có công phát hiện và phát triển một loại protein phát sáng của loài sứa. Công trình của họ giúp làm nên một cuộc cách mạng trong việc quan sát sự sống ở cấp độ cơ bản nhất.

"Osamu Shimomura, Martin Chalfie và Roger Tsien chia sẻ giải thưởng dành cho nghiên cứu protein phát ánh sáng màu xanh lục (GFP)", Viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển tuyên bố.

Khi tiếp xúc với tia cực tím, GFP phát ra ánh sáng màu xanh lục. Nó có thể đóng vai trò là "chất đánh dấu", giúp các nhà khoa học theo dõi hoạt động của tế bào. GFP có thể bám vào một số tế bào nhất định trong mô, cho chúng ta biết thời gian và địa điểm mà một số gene "tắt" và "bật". 

Osamu Shimomura nhận điện thoại của Ủy ban trao giải Nobel vào ngày 8/10/2008 tại nhà riêng của ông ở thành phố Falmouth, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh AP.


Chính vì thế mà protein phát sáng xanh được sử dụng rộng rãi trong các phòng thí nghiệm để theo dõi các quá trình sinh hóa trong cơ thể sống, chẳng hạn sự phát triển của tế bào não hay cách thức di căn của tế bào ung thư. GFP cũng cho phép giới khoa học nghiên cứu tổn hại đối với tế bào thần kinh mà các bệnh mất trí nhớ gây nên. Theo Viện Khoa học hoàng gia Thụy Điểm, GFP là "ngôi sao dẫn đường" của các nhà khoa học, giúp họ theo dõi sự sống ở mức độ cơ bản nhất.

Tiến sĩ Osamu Shimomura, 80 tuổi, là người đầu tiên phát hiện ra rằng sứa phát sáng khi phơi nhiễm với tia cực tím. Mùa hè năm 1961, ông và một cộng sự đã phân lập được protein phát sáng từ khoảng 10 nghìn con sứa. Năm 1962, họ công bố phát hiện về GFP. 

Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel hóa học từ trái sang phải Osamu Shimomura, Roger Tsien và Martin Chalfie. Ảnh: news.aol.com.


Martin Chalfie, sinh năm 1947 và là giáo sư tại Đại học Columbia ở New York, có công lớn trong việc tìm ra những ứng dụng rộng rãi của GFP vào năm 1994. Trong khi đó, Roger Tsien, sinh năm 1952 và giảng dạy tại Đại học California (Mỹ) tìm ra cơ chế phát sáng của GFP, đồng thời tìm ra cách để protein phát ra ánh sáng màu tím, màu đỏ và nhiều màu khác.

Osamu Shimomura chào đời tại Tokyo vào năm 1928. Ông tốt nghiệp Đại học dược Nagasaki vào năm 1951 rồi lấy bằng tiến sĩ hóa hữu cơ vào năm 1960. Từ năm 1965 tới 1981, ông giảng dạy tại Đại học Princeton (bang New Jersey, Mỹ). Sau đó ông làm việc tại Phòng thí nghiệm sinh học hải dương, thành phố Woods Hole, bang Massachusetts, Mỹ, từ năm 1982 tới 2001. Hiện ông là giáo sư danh dự của Đại học Y khoa Boston.

Theo VnExpress (Time, AP)
  • 12
  • 951