Những thói quen tưởng tốt nhưng hại sức khỏe

  •   2,54
  • 8.708

Bạn không nên đánh răng sau mỗi bữa ăn hay tự uống bổ sung các thuốc dinh dưỡng.

1. Vệ sinh thường xuyên bằng hóa chất tẩy rửa

Bạn có thói quen cọ rửa sàn nhà, lau dọn đồ đạc mỗi ngày bằng hóa chất tẩy rửa, điều này không tốt cho sức khỏe của bạn lâu dài. Các hóa chất vệ sinh nhà tắm, nhà bếp... thường có chứa nhiều chất benzyl, polyetylen, hay sodium hypochlorite, rất hại nếu sử dụng thường xuyên với hàm lượng cao. Bạn có thể sử dụng chất tẩy rửa nhẹ hơn, ít tác dụng như washing soda, chanh hoặc giấm để thay thế.

Nếu bạn có thói quen rửa tay xà phòng, gel khô bất kỳ lúc nào khi tiếp xúc với bất kỳ vật gì, bạn cũng nên hạn chế. Trừ khi bạn đang làm việc trong môi trường đặc biệt đòi hỏi sự tiệt trùng cao như bệnh viện, phòng nghiên cứu... Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chất khử trùng chứa triclosan có thể thúc đẩy vi khuẩn và kháng thuốc kháng sinh.

2. Đánh răng sau mỗi bữa ăn

Đây có vẻ là thói quen tốt để giữ răng khỏe mạnh, nhưng thực ra không phải vậy. Ngay sau khi bạn ăn, axit sẽ ngấm vào lớp men răng. Việc chải răng sai thời điểm (đặc biệt là trong vòng 20 phút sau bữa ăn) sẽ đẩy axit thấm sâu hơn vào răng, làm mòn men và ngà răng nhanh hơn so với quá trình tự nhiên.

Để lấy thức ăn dính lại trên răng, bạn chỉ nên súc miệng với nước, dùng chỉ nha khoa và đánh răng vào buổi sáng, ban đêm. Khi dùng bàn chải, nên đánh theo chuyển động tròn, điều này sẽ loại bỏ các vi khuẩn có hại giữa nướu và răng. Đánh qua lại lên xuống có thể để lại các vi khuẩn có hại, gây bệnh nướu răng.

Những thói quen tưởng tốt nhưng hại sức khỏe
Bạn không nên đánh răng ngay sau bữa ăn để tránh làm tổn thương men răng. (Ảnh: Fitnea)

3. Nhịn đói để ăn bữa sau ngon hơn

Phụ nữ có thói quen bỏ bữa để giảm béo, tiết kiệm chi phí hoặc để có cảm giác ngon miệng trong bữa ăn sau. Đây không phải là vấn đề lớn miễn là bạn biết cách phân bổ năng lượng một cách hợp lý. Nếu không ăn sáng hoặc ăn trưa, bạn bị cảm giác thèm ăn, dẫn tới hiện tượng ăn quá nhiều sau đó. Một cách giải quyết thông minh hơn là dùng đồ ăn nhẹ giàu chất dinh dưỡng và chia thành những bữa nhỏ.

Khi không ăn sáng, cơ thể bạn sẽ huy động toàn bộ chất dự trữ từ hôm trước dẫn tới mệt mỏi, dạ dày thêm rỗng, dịch vị được tiết ra không được trung hoà nên hay gây viêm loét.

4. Chỉ uống nước đóng chai

Bạn nghĩ rằng đây là cách dùng nước an toàn nhất, nhưng không hoàn toàn như vậy. Nước đóng chai không chứa florua, dẫn tới việc thiếu hụt fluoride, khiến bạn bị sâu răng. Chưa kể đến việc, có thể những chai đựng nước không được tái chế, sử dụng lại nhiều lần không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng.

5. Bổ sung thuốc dinh dưỡng

Nhiều người thấy cơ thể mệt mỏi và dùng các thuốc bổ sung dinh dưỡng mà không thực sự hiểu về tác dụng của nó. Ví dụ Vitamin A liều cao gây độc cho thai nhi, vitamin C dùng với số lượng lớn gây ra các vấn đề về tiêu hóa, phản ứng với thuốc chống đái tháo đường, còn dùng quá nhiều vitamin B6 gây tổn thương thần kinh... Thay vì uống thuốc bổ vô độ, bạn nên ăn nhiều thức phẩm có chứa các chất dinh dưỡng tự nhiên.

6. Rửa tay quá nhiều lần bằng xà phòng diệt khuẩn

Rửa tay quá nhiều lần bằng xà phòng diệt khuẩn
 75% số loại xà phòng rửa tay có chứa triclosan, loại hóa chất chưa được nghiên cứu toàn diện.

Hiện có rất ít nghiên cứu cho thấy rửa tay bằng các loại xà phòng diệt khuẩn hiệu quả loại bỏ vi khuẩn hơn so với việc rửa tay bằng nước hoặc xà phòng thông thường. Theo nghiên cứu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), khoảng 75% số loại xà phòng rửa tay có chứa triclosan, loại hóa chất chưa được nghiên cứu một cách toàn diện.

FDA cũng cho biết: "Một số nghiên cứu ngắn hạn trên động vật chỉ ra rằng tiếp xúc với triclosan liều lượng cao có thể giảm mức độ hormone tuyến giáp".

Một số nghiên cứu khác cho thấy triclosan khiến các vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển nhiều hơn.

7. Tập trung ăn thực phẩm ít chất béo

Trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ cho rằng chất béo là nguồn cơn của tình trạng thừa cân và bệnh tim mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới chỉ ra rằng ăn chế độ ít chất béo không phải cách giảm cân hiệu quả.

Các loại chất béo chuyển hóa (trans-fats) có thể gây bệnh tim mạch, nhưng các chất béo không bão hòa trong cá, quả bơ và dầu ô liu có thể cải thiện sức khỏe, giảm lượng chất béo trung tính, cholesterol và huyết áp, đồng thời tăng cường sức khỏe não bộ.

8. Uống nước trái cây để thải độc (detox)

Hiện rất ít bằng chứng khoa học cho thấy uống nước trái cây và rau ít chất xơ giúp loại bỏ độc tố. Nước ép có thể thanh lọc cơ thể, giúp giảm cân tạm thời. Tuy nhiên, chúng không phải nhóm thực phẩm "toàn năng" như nhiều người lầm tưởng. Nước ép chứa nhiều đường, song thiếu chất xơ, chất béo và protein, có hại với những người bệnh nền tiểu đường, loãng xương và thiếu máu. Việc thiếu chất xơ cũng dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như táo bón và tiêu chảy.

9. Chỉ tập cardio

 các chuyên gia khuyến cáo người muốn giảm cân không nên chỉ tập cardio.
 Các chuyên gia khuyến cáo người muốn giảm cân không nên chỉ tập cardio.

Những bài tập cường độ cao (cardio) như chạy bền, đạp xe, bơi hoặc bóng rổ giúp đốt calo, tăng cường sức khỏe tim phổi, giảm lượng cholesterol và chất béo trung tính trong máu. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người muốn giảm cân không nên chỉ tập cardio.

Để giảm cân một cách lành mạnh, mỗi người nên kết hợp tập cardio với các bài kháng lực và tăng sức bền. Điều này có thể đẩy nhanh quá trình cải thiện vóc dáng cũng như kiểm soát cân nặng, đồng thời giảm nguy cơ trầm cảm, tiểu đường và ngăn ngừa chứng đau lưng.

10. Lạm dụng thanh protein

Thanh protein (còn gọi là thanh năng lượng) là loại đồ ăn có hàm lượng protein cao và ít đường. Tuy nhiên, lượng chất tạo ngọt trong loại đồ ăn này có thể dẫn đến chướng bụng, đau bụng và đầy hơi. Thanh protein thường không có các thành phần lành mạnh, hầu hết phụ thuộc vào protein phân lập từ đậu nành - nguồn protein chay bị loại bỏ các chất dinh dưỡng khác.

Những thanh năng lượng không sử dụng chất làm ngọt nhân tạo, lượng đường sánh ngang với các loại kẹo thông thường.

11. Bỏ bữa

Đối với những người mới giảm cân hoặc muốn giảm cân cấp tốc, bỏ bữa là cách dễ dàng nhất để cắt giảm lượng calo nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp bền vững về lâu dài, có thể khiến cơ thể mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng, gây ra tình trạng mệt mỏi cả ngày, kém tập trung, cáu gắt. Nó cũng làm giảm cảm giác thèm ăn trong các bữa khác.

Các chuyên gia khuyến nghị ăn ba bữa một ngày, với lượng dinh dưỡng cân bằng để giảm cân một cách khoa học

Cập nhật: 07/07/2024 Theo VNE
  • 2,54
  • 8.708