Những thú khổng lồ từng thống lĩnh Australia thời tiền sử

  •   44
  • 4.919

Kangaroo khổng lồ cao hai mét, kỳ đà ăn thịt dài 7m hay sư tử có túi nặng hơn 100kg nằm trong số những loài thú từng thống trị các vùng đất khác nhau ở Australia cách đây hàng chục nghìn năm.

Gấu có túi khổng lồ Diprotodon optatum nặng trên hai tấn và cao tới 4m sinh sống tại Australia cách đây từ 46.000 năm đến 1,6 triệu năm.
Theo BBC, gấu có túi khổng lồ Diprotodon optatum nặng trên hai tấn và cao tới 4m sinh sống tại Australia cách đây từ 46.000 năm đến 1,6 triệu năm. Chúng là động vật có vú có túi lớn nhất từ trước đến nay. Diprotodon có hình dáng bề ngoài giống một con tê giác hiện đại và có lối sống xã hội như loài voi ngày nay. Tuy Diprotodon có kích thước khổng lồ, chúng chỉ ăn thực vật. Hàng trăm bộ xương Diprotodon được khai quật tại hồ muối khô Callabonna thuộc bang Nam Australia cho thấy nhiều nhóm gia đình Diprotodon từng lang thang tại đây để kiếm thức ăn trong mùa khô và có thể bị mắt kẹt trong hồ khi mặt hồ muối bị vỡ. (Ảnh: Stocktrek Images Inc).

Loài kangaroo khổng lồ Procoptodon goliah sống cách đây khoảng 15.000 năm tại Australia.
Loài kangaroo khổng lồ Procoptodon goliah sống cách đây khoảng 15.000 năm tại Australia là loài kangaroo lớn nhất được biết đến từ trước đến nay với chiều cao gần hai mét và nặng hơn 200 kg. Procoptodon có phần cơ đùi phát triển to và săn chắc để nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Trong quá khứ, chúng sống phổ biến tại các khu vực bán khô hạn thuộc bang New South Wales, Nam Australia và tại các hang động mở thuộc vùng đồng bằng Nullarbor. Săn bắn quá mức là nguyên nhân khiến loài kangaroo này bị tuyệt chủng. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên).

Thống trị khắp vùng đất Australia trong khoảng 40.000 - 1,6 triệu năm trước là loài sư tử có túi Thylacoleo carnifex.
Thống trị khắp vùng đất Australia trong khoảng 40.000 - 1,6 triệu năm trước là loài sư tử có túi Thylacoleo carnifex, biệt danh là "kẻ ăn thịt có lực cắn mạnh nhất". Theo các nhà khoa học, lực cắn của một con Thylacoleo nặng 101kg tương đương với lực cắn của sư tử châu Phi 250kg. Sư tử châu Phi mất khoảng 15 phút để hạ gục con mồi, trong khi Thylacoleo chỉ cần chưa đầy một phút. Loài động vật có chiều dài cơ thể gần 1,5 mét tính cả phần đuôi), sở hữu răng cửa sắc nhọn và móng vuốt lớn, tạo thành vũ khí hoàn hảo để hạ gục và xé toạc bụng con mồi. Hóa thạch của sư tử có túi được khai quật tại một số địa điểm ở Australia vào giữa thế kỷ 19. (Ảnh: Wikipedia).

Chuột túi khổng lồ Palorchestes azael là động vật ăn cỏ đặc hữu của Australia
Loài chuột túi khổng lồ Palorchestes azael là động vật ăn cỏ đặc hữu của Australia, sống cách đây khoảng 11.000 - 11,6 triệu năm. Nó có kích cỡ tương đương con ngựa với chiều dài cơ thể khoảng 2,5 mét và trọng lượng khoảng 200 kg. Móng vuốt lớn ở bàn chân của Palorchestes được sử dụng để tách vỏ cây và kéo nhành lá dễ dàng hơn. Các bộ xương hóa thạch của Palorchestes được tìm thấy chủ yếu tại hang Naracoorte. Phân tích cấu trúc của hóa thạch xương khoang mũi cho thấy Palorchestes sở hữu chiếc vòi ngắn nên các nhà khoa học còn gọi nó là "heo vòi có túi". (Ảnh: Bảo tàng lịch sử tự nhiên).

Loài chim biết không bay Dromornis stirtoni cao ba mét và nặng 500kg.
Cùng tồn tại với các loài động vật khổng lồ có túi ở Australia trong khoảng thời gian 30.000 - 8 triệu năm trước là loài chim biết không bay Dromornis stirtoni cao ba mét và nặng 500kg. Hình dáng của Dromornis giống loài đà điều nhưng chúng là họ hàng gần của vịt và ngỗng. Dromornis sở hữu chiếc mỏ to khỏe để nghiền hạt. Hóa thạch xương đùi của loài chim này được tìm thấy trong một giếng sâu 55m tại Peak Downs thuộc bang Queensland và được mô tả chi tiết vào năm 1872. (Ảnh: Science Photo Library).

Varanus priscus (hay Megalania prisca) là loài kỳ đà lớn nhất thế giới.
Varanus priscus (hay Megalania prisca)
là loài kỳ đà lớn nhất thế giới, sống ở miền nam Australia và biến mất cách đây khoảng 50.000 năm do các thổ dân săn bắn quá mức. Các mô tả đầu tiên về loài kỳ đà này vào năm 1859 cho biết nó có chiều dài 7m và nặng 620kg. Giống như họ hàng rồng Komodo ngày nay, Varanus săn mồi hiệu quả nhờ hàm răng có nhiều tuyến nọc độc. Các nghiên cứu cho thấy tốc độ chạy nước rút trên cạn của Varanus đạt 2,6 - 3m/s. (Ảnh: Stocktrek Images Inc).

Rùa khổng lồ Australia Meiolania platyceps.
Rùa khổng lồ Australia Meiolania platyceps
có chiều dài khoảng 2,5 mét, tuyệt chủng cách đây khoảng 2.000 - 3.000 năm do người Lapita săn bắt quá mức. Không giống rùa hiện đại, Meiolania có hộp sọ khác thường, hai sừng lớn phát triển đối xứng trên đầu và nhiều gai ở phần đuôi. (Ảnh: Smokeybjb).

Hổ Tasmania (hay còn gọi chó sói túi Thylacinus cynocephalus).
Hổ Tasmania (hay còn gọi chó sói túi Thylacinus cynocephalus)
có những sọc vằn trên lưng giống hổ và hình dáng đầu giống loài chó. Nhóm nghiên cứu do nhà cổ vật học Stephen Wroe ở Đại học Sydney đứng đầu đã nghiên cứu hộp sọ của 39 con vật săn mồi trên toàn thế giới, và khẳng định chó sói túi có cú ngoạm mạnh gấp ba lần một con chó bình thường cân nặng tương đương. Hổ Tasmania được tuyên bố tuyệt chủng vào năm 1936. Con hổ Tasmania cuối cùng chết trong một vườn thú ở đảo Tasmania. Con người buộc tội hổ Tasmania tấn công cừu từ những năm 1.800 nên dùng mọi cách như súng săn và thuốc độc để tiệu diệt tận gốc chúng. (Ảnh: Dave Watts/naturepl.com).

Cập nhật: 29/02/2016 Theo VnExpress
  • 44
  • 4.919