Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay được dự đoán có thể thuộc về Thủ tướng Đức Angela Merkel vì cách ứng phó của bà với cuộc khủng hoảng di cư hoặc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry do nỗ lực giúp đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Nobel Hòa bình là giải thưởng thu hút nhiều sự chú ý nhất và tạo ra nhiều đồn đoán nhất trong số 6 giải thưởng Nobel. Đây cũng là giải thưởng được trao tại thủ đô Oslo, Na Uy, thay vì ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển, như 5 giải còn lại.
Danh sách các ứng viên cho giải Nobel Hòa bình được giữ bí mật trong 50 năm. Danh sách năm nay gồm 273 cá nhân và tổ chức. Một số nhà quan sát cho rằng giải thưởng năm nay sẽ thuộc về những người hành động xoa dịu khủng hoảng di cư châu Âu.
Theo Kristian Berg Harpviken, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (Prio), Thủ tướng Đức Angela Merkel là một sự lựa chọn rõ ràng. "Bà Angela Merkel thực sự là một nhà lãnh đạo có phẩm hạnh", AFP dẫn lời ông nói.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) và linh mục Công giáo Mussie Zerai, người Eritrea, cũng là hai cái tên sáng giá trong danh sách ứng viên, theo Nobeliana, một nhóm các nhà sử học chuyên về giải Nobel. UNHCR từng nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1954 và 1981 còn linh mục Zerai đã giúp giải cứu người di cư vượt biển Địa Trung Hải.
Từ trái sang: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Reuters).
Trong tháng 7, Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các cường quốc, chấp nhận giảm quy mô hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Tehran từ năm 2006.
"Tôi nghĩ công việc tại Ủy ban Nobel... năm nay sẽ dễ dàng hơn nhiều", cựu ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho biết lúc đó.
Do đó, giải Nobel Hòa bình có thể thuộc về các kiến trúc sư của thỏa thuận, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif, thậm chí có khả năng là Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini hoặc người tiền nhiệm Catherine Ashton, theo Peter Wallensteen, giáo sư tại Đại học Uppsala, Thụy Điển.
Ủy ban Nobel trong quá khứ thường trao giải Hòa bình để ca ngợi nỗ lực chống hạt nhân vào những năm kỷ niệm chẵn chục vụ ném bom xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, năm 1945.
Giải Nobel Hòa bình các năm 1975, 1985, 1995 và 2005 lần lượt thuộc về nhà hoạt động Liên Xô Andrei Sakharov, Hiệp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân (IPPNW), Joseph Rotblat và phong trào Pugwash, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và giám đốc Mohammed el-Baradei.
Ngoài ra, những ứng viên có khả năng đạt giải cao khác trong danh sách đề cử năm nay còn có Giáo hoàng Francis vì những cam kết của ông về công bằng xã hội và môi trường, bác sĩ người Congo Denis Mukwege, người đã điều trị cho hàng nghìn phụ nữ bị cưỡng hiếp ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo.
Cuộc chiến vì tự do ngôn luận cũng có thể được đề cập đến do trong năm nay xảy ra hai vụ tấn công nhằm vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, Pháp, và cuộc họp về đạo Hồi và tự do ngôn luận ở Copenhagen, Đan Mạch.
Những ứng viên trong lĩnh vực này gồm có Flemming Rose, người Đan Mạch, từng đăng hoạt họa về nhà tiên tri Mohammed trên tờ Jyllands-Posten năm 2005, blogger người Arab Saudi đang bị giam Raif Badawi và cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden.
Giải Nobel Hòa bình 2015 sẽ chính thức được công bố vào 11h (giờ Oslo, tức 16h giờ Hà Nội) ngày 9/10.