Những kiệt tác của Caravaggio, Picasso, Van Gogh... lần lượt biến mất khỏi bảo tàng, nhà thờ trong các vụ trộm. Dù một số đã được tìm lại, nhiều báu vật vẫn bặt vô âm tín.
Những tác phẩm nghệ thuật đắt giá và vô giá từ lâu đã trở thành mục tiêu của những vụ trộm táo tợn. Lịch sử đã ghi nhận nhiều vụ việc gây rúng động thị trường nghệ thuật toàn cầu. Dù một số tác phẩm đã được tìm lại, nhiều báu vật vẫn bặt vô âm tín, để lại khoảng trống lớn trong di sản văn hóa nhân loại, theo Telegraph. (Ảnh minh họa: The New York Times).
Năm 1969, kiệt tác Nativity with St. Francis and St. Lawrence của Caravaggio bị đánh cắp khỏi nhà thờ ở Palermo, Sicily (Italy). Bức tranh cao gần 3 m được cho là đã rơi vào tay Mafia Sicily. Sau 55 năm, dù FBI, Interpol và cảnh sát Italy đã vào cuộc, tác phẩm vẫn bặt vô âm tín. Theo ước tính, tác phẩm này có thể trị giá lên đến 20 triệu USD trên thị trường chợ đen. (Ảnh: Factu Arte, Arts Life).
Năm 2010, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Paris (Pháp) đã trở thành nạn nhân của một vụ trộm gây chấn động. 5 bức tranh vô giá, bao gồm các tác phẩm The Pigeon with Green Peas của Picasso, Pastoral của Matisse và Olive tree near l'Estaque của Braque, đã biến mất không dấu vết. Tổng giá trị của 5 bức tranh này lên đến hàng trăm triệu euro. Đây được xem là một trong những sự kiện tồi tệ nhất đối với thành phố Paris, sánh ngang với vụ cháy Nhà thờ Đức Bà. (Ảnh: ArtsDot).
Bức tranh Poppy Flowers trị giá 55 triệu USD của Van Gogh đã 2 lần bị đánh cắp khỏi Bảo tàng Mohamed Mahmoud Khalil ở Cairo (Ai Cập). Vụ trộm đần đầu tiên diễn ra vào năm 1977 và bức tranh được tìm thấy sau một thập kỷ. Tuy nhiên, vào tháng 8/2010, Poppy Flowers lại một lần nữa biến mất và đến nay vẫn chưa có tung tích. (Ảnh: Lowe's, Van Gogh Studio).
Năm 2008, Bảo tàng Emil Bührle Collection tại Kunsthaus Zurich (Thụy Sĩ) đã chứng kiến một vụ trộm nghệ thuật ngoạn mục. Những tên trộm bịt mặt và có vũ trang đã đột nhập vào bảo tàng, lấy đi 4 bức tranh vô giá của Van Gogh, Cezanne, Degas và Monet, rồi tẩu thoát bằng ôtô. (Ảnh: Art Crime).
Art Recovery International (ARI), một tổ chức có trụ sở tại Anh, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hồi các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, bao gồm cả vụ trộm tại Green Vault Dresden. Christopher A. Marinello, người sáng lập ARI, cho biết tổ chức này thường nhận được thông tin về các tác phẩm bị đánh cắp khi chúng được rao bán trên thị trường chợ đen. ARI sau đó sẽ đàm phán với người sở hữu để tìm ra giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên. (Ảnh: Art Recovery).
Gần đây, ARI đã giúp trả lại các bản in lụa của Andy Warhol trị giá 500.000 USD từ bộ sưu tập Endangered Species của nghệ sĩ. Đầu năm nay, cảnh sát Tây Ban Nha cũng đã tìm lại được một bức tranh của họa sĩ người Anh Francis Bacon bị đánh cắp từ một căn hộ ở Madrid vào năm 2015. (Ảnh: Valleyfine Art, MultualArt).
ARI không chỉ tập trung vào những vụ trộm thông thường mà còn hướng tới việc tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật bị cướp bóc bởi Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Một trong những mục tiêu của tổ chức là bức tranh Myrto của họa sĩ người Ba Lan Tamara de Lempicka, bị đánh cắp từ nước Pháp thời chiến. Tuy nhiên, việc tìm lại những tác phẩm này không hề dễ dàng. Nhiều người sở hữu những tác phẩm bất hợp pháp thường lợi dụng luật bảo mật của Đức để che giấu hành vi phạm tội của mình. (Ảnh: Progetto Genderqueer).
Năm 1976, nghệ sĩ trình diễn người Đức Ulay đã thực hiện đã hành động biểu tình gây chấn động khi đánh cắp bức tranh The Poor Poet của Carl Spitzweg, tác phẩm yêu thích của Adolf Hitler. Ulay đã mang bức tranh đến một khu nhà nghèo ở Kreuzberg và treo nó trên tường căn hộ của một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ. "Vụ trộm" này không chỉ là một màn trình diễn nghệ thuật mà còn là một lời lên án mạnh mẽ đối với thể chế hóa nghệ thuật và sự phân biệt đối xử với người lao động nhập cư. (Ảnh: Wahoo Art).