Dù mang tội trộm cắp một bức tranh vô cùng giá trị, nhưng kẻ trộm lại chỉ nhận hình phạt 8 tháng tù giam.
Vào buổi sáng ngày 21 tháng 8 năm 1911, một buổi sáng thứ Hai yên tĩnh và ẩm ướt ở thủ đô Paris của nước Pháp, 3 người đàn ông vội vàng rời khỏi Louvre. Thật kỳ lạ, vì bảo tàng này vốn luôn đóng cửa vào các ngày thứ Hai, và càng kỳ lạ hơn khi một trong số họ đang khúm núm để cố che giấu thứ gì đó dưới lớp áo choàng.
Đó là Vincenzo Perugia và hai anh em nhà Lancelotti, Vincenzo và Michele, những người thợ thủ công trẻ đến từ nước Ý. Ba người đã đến Louvre vào chiều Chủ nhật hôm trước và trốn trong nhà kho chật hẹp cả một đêm.
Sáng hôm sau, trong bộ quần áo nhân viên màu trắng, cả ba đến Salon Carré, một căn phòng trưng bày những bức tranh từ thời kỳ Phục Hưng. Nhắm được một bức nhỏ trên tường, họ nhanh chóng xé nó ra khỏi khung kính rồi giao cho Perugia, người sẽ chịu trách nhiệm giấu và đưa tranh ra bên ngoài.
Vincenzo Perugia - kẻ chủ mưu trong vụ trộm tranh Mona Lisa.
Chỉ trong chớp mắt, cả ba đã lẻn ra khỏi phòng trưng bày bằng lối cầu thang phía sau, rồi hòa vào dòng người tấp nập trên đường phố Paris.
Khi người ta nhận ra một trong những bức tranh bị biến mất đã là chuyện của 26 giờ sau. Cũng dễ hiểu thôi, vì vào thời điểm đó, Louvre là bảo tàng lớn nhất thế giới với 1.000 phòng có tổng diện tích lên đến hơn 182 nghìn mét vuông.
Chưa hết, an ninh ở đây cũng thuộc dạng yếu kém. Cả tòa nhà chỉ có hơn 150 lính canh để bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Chính vì thế mà chuyện một số bức tượng bị biến mất hoặc các bức tranh bị hư hỏng không phải là điều quá lạ lùng.
Vào thời điểm xảy ra vụ cướp, bức tranh Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci vốn cũng chẳng phải là món đồ thu hút nhiều sự quan tâm. Trên thực tế, Leonardo đã hoàn thành bức chân dung từ năm 1507, nhưng mãi đến những năm 1960, các nhà phê bình nghệ thuật mới cho rằng Mona Lisa là một trong những ví dụ điển hình về hội hoạ thời kỳ Phục Hưng.
Bức tranh Mona Lisa vào thời điểm đó không hề nổi tiếng.
Tuy nhiên, nhận định này cũng chỉ mới phổ biến trong giới nghệ thuật, nên số lượng người đến để xem tác phẩm cũng chỉ duy trì ở mức ít ỏi. Thậm chí trong cuốn cẩm nang du lịch Paris năm 1878, nhà văn Karl Baedeker cũng chỉ đưa ra một vài câu nhận xét về tác phẩm này, ít hơn nhiều so với những “viên ngọc quý” khác trong bảo tàng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bức tranh hoàn toàn bị lu mờ. Vào năm 1910, một lá thư nặc danh đã được gửi đến Louvre với lời đe dọa sẽ cướp đi bức chân dung này, ngay lập tức, các quan chức bảo tàng đã thuê công ty lắp đặt kính đến để “gia cố" hàng chục bức tranh đắt tiền.
Công việc lắp đặt kéo dài đến tận 3 tháng trời, và trong những người thợ được thuê có cả Vincenzo Perugia. Ông là con trai của một thợ hồ, lớn lên ở ngôi làng nhỏ phía bắc Milan nước Ý. Đến năm 1907, ở độ tuổi 25 trẻ trung, ông đã rời quê hương để thử sức ở thành phố Paris hoa lệ, và định cư ở đây cùng 3 người anh.
Perugia lúc bấy giờ vốn là một cậu bé thấp người, nhưng sẵn sàng “tấn công” bất cứ ai xúc phạm tới bản thân cũng như quê hương của mình. Ông đã bị cảnh sát bắt tới 2 lần, một lần là vào năm 1908, khi ông định cướp tiền của một cô gái bán hoa, lần còn lại là vì tội mang súng trong cuộc đụng độ.
Vào thời điểm đó, hầu hết những bức tranh nổi tiếng bị đánh cắp đều không được bán lại ngay cho quý tộc giàu có hoặc đòi tiền chuộc, mà được “tuồn" vào con đường trao đổi bất hợp pháp, dùng để làm vật đổi chác hoặc thế chấp cho ma tuý, vũ khí và các hàng hoá bị đánh cắp khác. Bằng đủ mối liên hệ với giới tội phạm, Perugia hoàn toàn có thể bán bức tranh đi một cách nhanh chóng.
Perugia đã hy vọng nhanh chóng bán được tranh nhờ vào mối quan hệ của mình.
Thật không may cho ông, bức tranh tưởng chừng như đã bị lãng quên lại trở nên nổi tiếng đến mức chẳng ai dám mua về. Ban đầu, chẳng có một tin tức gì liên quan đến vụ việc, ngay cả các tờ báo của buổi sáng hôm sau cũng im lặng một cách kỳ lạ. Có lẽ nào bảo tàng Louvre sẽ che đậy vụ trộm và giả vờ như chẳng có gì xảy ra?
Nhưng không, vào cuối ngày thứ ba, giới truyền thông như nổ tung khi Louvre công bố bức tranh Mona Lisa đã biến mất. Tin tức này nhanh chóng leo lên trang đầu của hàng loạt tờ báo thế giới, áp phích truy nã xuất hiện ở các bức tường khắp Paris.
Hàng ngàn khán giả bắt đầu tràn vào bảo tàng chỉ để nhìn chằm chằm vào một bức tường trắng với bốn móc sắt đơn độc. Trên đường phố, người ta bắt đầu bàn tán về khả năng “xuất thần" của các tên trộm.
Tiếp theo đó là những tấm bưu thiếp với nội dung châm biếm, những bộ phim ngắn và những bài hát cũng được sáng tác dựa trên sự kiện này. Thứ nghệ thuật cao cấp chỉ dành cho giới thượng lưu, qua một vụ trộm “tài tình", lại trở thành một loại nghệ thuật đại chúng mà ai cũng có thể bàn đến.
Vụ trộm được đưa lên trang đầu của các tờ báo lớn khắp thế giới.
Đó là lúc Perugia nhận ra rằng món đồ mà ông trộm được không chỉ là một bức tranh cổ lỗi thời, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Mona Lisa đã trở thành bức tranh nổi tiếng nhất thế giới.
Perugia cất giữ nàng Mona Lisa dưới đáy của một chiếc rương gỗ trong phòng trọ. Khi cảnh sát Paris thẩm vấn ông vào tháng 11 năm 1911 như một phần của cuộc điều tra toàn bộ nhân viên Louvre, ông thẳng thắn nói rằng mình chỉ biết về vụ trộm thông qua báo chí, và lý do duy nhất khiến ông đi làm muộn vào thứ Hai là vì lỡ uống say vào đêm hôm trước.
Chẳng một ai mảy may nghi ngờ về lời nói đó. Cảnh sát nhanh chóng bỏ qua Perugia và thay vào đó, họ bắt giữ nghệ sĩ Pablo Picasso và nhà thơ Guillaume Apollinaire vì hai người là bạn của tên trộm khác cũng từng lấy cắp tác phẩm từ Louvre. Sau quá trình điều tra, cả hai đã được thả ra.
Vào tháng 12 năm 1913, sau 28 tháng ẩn mình chờ thời, Perugia rời khỏi nhà trọ ở Paris cùng với chiếc rương chứa bức tranh để đến Florence, nơi ông đã hẹn một nhà buôn nghệ thuật. Nhưng ông chẳng thể ngờ rằng người này đã nhanh chóng gọi cảnh sát khi nhìn thấy bức tranh nổi tiếng.
Sau phiên toà ngắn, Perugia cuối cùng cũng đã nhận tội, ngạc nhiên hơn cả là sau khi gây ra một vụ án rúng động như vậy, án phạt của ông chỉ là ngồi tù 8 tháng.
Chính nhờ vụ cướp nổi tiếng trên, Mona Lisa đã trở thành một biểu tượng toàn cầu. Dưới sự chờ mong của công chúng, bức tranh đã quay về Louvre và thu hút hàng trăm nghìn người đến xem chỉ trong hai ngày đầu tiên.
Ngày nay, kiệt tác Mona Lisa vẫn thu hút hàng triệu lượt tham quan mỗi năm.
Ngoài những gì được công bố chính thức, các thuyết âm mưu cũng mọc lên ngay sau khi bức tranh biến mất. Liệu đó có phải là một trò lừa bịp? Tờ New York Times vào thời điểm đó còn suy đoán rằng những người phục chế đã làm hỏng Mona Lisa, khiến bảo tàng phải bịa ra câu chuyện về một vụ trộm ly kỳ.
Ngay cả sau khi bức tranh quay trở về, thế giới vẫn còn hoài nghi: Làm thế nào một người thợ mộc bình thường có thể tự mình tháo gỡ chiếc khung phức tạp đến nhường này? Trong nhiều năm tiếp theo, có tin đồn rằng một nhóm trộm quốc tế đã đánh cắp bức tranh khi Perugia đến Florence, và bức tranh hiện tại bảo tàng đang trưng bày chỉ là đồ giả.
Nhưng dù có uẩn khúc gì phía sau hay không, các nhà sử học vẫn phải công nhận rằng vụ trộm chính là chất xúc tác vô tình để biến Mona Lisa trở thành biểu tượng của nghệ thuật thế giới như này nay.