Núi lửa Iceland không tác động tới khí hậu địa cầu

  •  
  • 434

Nhiều người nghĩ hoạt động của núi lửa tại Iceland sẽ khiến nhiệt độ trái đất giảm, song các nhà khoa học khẳng định điều đó khó xảy ra. 

Các nhà khoa học cho rằng lượng khói bụi mà núi lửa dưới sông băng tại Iceland tạo ra không đủ lớn để làm giảm nhiệt độ bề mặt trái đất. Ảnh: AP.


AFP cho biết, khi núi lửa Pinatubo phun trào vào năm 1991, nhiệt độ bề mặt trái đất giảm 0,5 độ C trong suốt năm kế tiếp – đủ lớn để bù trừ tác động tăng nhiệt độ của những khí gây hiệu ứng nhà kính từ năm 1991 tới 1993.

Trước đó, khi núi lửa St Helens ở Mỹ hoạt động vào năm 1980, nó chỉ phun ra lượng khói bụi bằng 1/10 so với núi lửa Pinatubo, nhưng cũng khiến nhiệt độ trái đất giảm chút ít.

Các nhà khoa học khẳng định khi núi lửa hoạt động, chúng phun ra một lượng bụi lớn và cả sulphur dioxide – chất khí có khả năng bay tới tận tầng bình lưu của khí quyển. Tại đây các những tính vật lý và hóa học của các loại khí kết hợp với nhau, tạo nên một lớp hạt siêu nhỏ màu trắng. Lớp này bị thổi khắp thế giới trong nhiều tháng hoặc năm. Khi gặp nó, một phần ánh sáng mặt trời sẽ bị cản nên không thể tiến tới mặt đất.

“Điều đó giống như việc bạn đặt một chiếc gương ở phía trên kính chắn gió của xe hơi để ánh sáng mặt trời không thể xuyên qua. Sự hiện diện của gương khiến nhiệt độ trong buồng lái giảm”,
Colin Macpherson, một nhà khoa học của Đại học Durham ở phía đông bắc Anh, giải thích.

Nhưng Macpherson và nhiều chuyên gia khác khẳng định lượng khói bụi mà núi lửa dưới sông băng Eyjafjallajokull tại Iceland phun ra quá nhỏ và lượng sulphur dioxide không đủ lớn để có thể tạo ra hiệu ứng nguội trên toàn cầu. Ngoài ra khói bụi cũng di chuyển quá thấp.

Emmanuel Bocrie, một nhà khoa học của Cơ quan dự báo thời tiết Pháp, nói: “Khi Pinatubo hoạt động, khói bụi bay tới độ cao 18 km. Nhưng khói bụi của núi lửa tại Iceland chỉ lên tới độ cao từ 6 tới 11 km. Có rất nhiều luồng gió mạnh xuất hiện ở tầng không khí ấy nên khói bụi sẽ phân tán nhanh”.

“Vào thời điểm hiện tại, lượng khói bụi mà núi lửa này tạo ra chỉ bằng khoảng 1% so với vật chất mà núi lửa St Helens phun ra vào năm 1980. Với lượng khói bụi nhỏ như thế, nó không thể tạo nên một hiệu ứng rõ ràng đối với khí hậu”, AFP dẫn lời Scylla Sillayo, một chuyên gia của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).

Nhiều nhà khoa học dự đoán sự phun trào của núi lửa Eyjafjallajokull sẽ gây nên tác động đối với khí hậu châu Âu, nhưng con người phải chờ vài năm mới cảm nhận được tác động ấy.

“Vào thập niên 80 của thế kỷ 18, một núi lửa lớn ở miền nam Iceland hoạt động dữ dội trong vài năm và phun ra rất nhiều sulphur. Nó tạo nên một lớp bụi dày trên bầu trời khiến bầu không khí trở nên bẩn và nguy hiểm. Mưa axit thường xuyên xảy ra, còn mùa màng thất thu. Những hậu quả ấy xuất hiện hai năm sau khi núi lửa thức giấc”,
Macpherson kể.

Tuy núi lửa có thể giúp trì hoãn quá trình ấm lên toàn cầu, song nó lại gây ra một thiệt hại to lớn khác. Bụi khí từ núi lửa sẽ phá hủy tầng ozone – tấm lá chắn bảo vệ con người và mọi loài động vật trên địa cầu khỏi những tia tử ngoại có hại.

Nguồn: AP

Theo VnExpress
  • 434