Nước biển ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu

  •  
  • 1.050

Nhà khoa học Mỹ cho rằng nhiệt độ nước biển ở vùng xích đạo Thái Bình Dương có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu trong từng giai đoạn, trái với hoài nghi về việc trái đất nóng lên như những cảnh báo trước đó.

Trong những năm gần đây, nhiệt độ mặt biển vùng Thái Bình Dương mát hơn khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu ổn định ngay cả khi lượng phát thải khí nhà kính tăng lên.

Nhiệt độ mặt biển ở Thái Bình Dương diễn ra theo chu kỳ nóng và lạnh tự nhiên. Điều này cho thấy sự chững lại trong quá trình gia tăng nhiệt độ trái đất ghi nhận trong 15 năm qua không phải là dấu hiệu gián đoạn của hiện tượng nóng lên toàn cầu, nó liên quan tới nhiệt độ của vùng nước nhiệt đới và xích đạo Thái Bình Dương trở nên mát hơn.

Khi Thái Bình Dương chuyển đổi sang giai đoạn ấm áp, các xu hướng dài hạn bao gồm nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ tăng vọt. Kết quả được nghiên cứu bởi Shang-Ping Xie, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học California, Mỹ, Livescience đưa tin.

Đầu tháng này, tỉ lệ khí CO2 trong khí quyển ở Hawaii đo được là hơn 400ppm, mức cao nhất trong lịch sử nhân loại. Lần vượt quá ngưỡng này cách đây ít nhất 3 triệu năm. Tuy nhiên, 15 năm qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu có vẻ ổn định hơn, nhiệt độ không tăng mạnh như dự đoán trước đó làm nhiều người hoài nghi về biến đổi khí hậu.

Nước biển ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu
Ảnh minh họa nhiệt kế đo nhiệt độ trái đất. (Ảnh: Shutterstock)

Ông Ping Xie cho biết: "Năm ngoái chúng tôi chứng kiến mùa hè nắng nóng kỷ lục ở Mỹ và sự thu hẹp băng vùng biển bắc cực, tất cả những điều này phù hợp với sự nóng lên chung của khí hậu. Tuy nhiên, khi nhìn vào đồ thị nhiệt độ toàn cầu, 15 năm qua nhiệt độ gần như đi theo một đường thẳng, nồng độ khí CO2 trong khí quyển gia tăng nhưng trái đất không ấm lên, dường như có một cái gì đó rất lạ đang xảy ra".

Ping Xie và các đồng nghiệp giải thích bí ẩn này bằng cách sử dụng mô hình khí hậu và dữ liệu đo đạc được trong 130 năm qua. "Trong mô hình chúng tôi chia ra làm 2 nguyên nhân, thứ nhất do con người làm gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, thứ hai do vùng biển Thái Bình Dương mát hơn, kéo các đường cong nhiệt độ xuống, khiến trái đất gần như ở trạng thái cân bằng”, Ping Xie nói.

Tác động El Nino và La Nina cũng tạo ra kết quả tương tự, chúng là một phần trong quá trình dao động tự nhiên của hệ thống đại dương-khí quyển xảy ra theo chu kỳ 3-4 năm, có thể ảnh hưởng đến thời tiết và điều kiện khí hậu toàn cầu. El Nino đặc trưng bởi nhiệt độ ấm hơn mức trung bình trong các vùng biển xích đạo Thái Bình Dương. Còn với hiện tượng La Nina, nhiệt độ các vùng nước biển lạnh hơn mức trung bình.

Giai đoạn ấm áp và mát của Thái Bình Dương trong nghiên cứu của Ping Xie xuất hiện lâu hơn so với chu kỳ El Nino và La Nina. Trước đây, trái đất trải qua giai đoạn làm mát ở Thái Bình Dương từ năm 1940 đến năm 1970 trước khi chuyển sang trạng thái ấm hơn những năm 1970 đến 1990.

Mô hình thí nghiệm khoa học không thể dự đoán được khi nào thời gian làm mát hiện tại kết thúc, tuy nhiên khi nước biển chuyển sang trạng thái ấm hơn, nhiệt độ toàn cầu sẽ nóng lên nhanh chóng. Hiện nay vẫn còn nhiều điều chưa biết về sự tương tác giữa việc nước biển Thái Bình Dương nóng lên và mát đi với việc con người thải ra khí nhà kính làm biến đổi khí hậu trái đất.

Theo VNE
  • 1.050