Những người luôn cảm thấy tức giận, hối tiếc hay cay đắng khi hồi tưởng những chuyện không vui đã qua dễ bị ốm và có khả năng chịu đau kém hơn.
>>> Giải mã hiện tượng nhớ về tiền kiếp
Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu tại Đại học Granada (Tây Ban Nha) sau khi khảo sát 50 người và phát hiện thấy thái độ của mỗi người với quá khứ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống hiện tại của bản thân.
Thái độ bi quan với quá khứ ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng sống của con người.
Các đối tượng tham gia, gồm 25 nam và 25 nữ, tuổi từ 20-70, tiến hành một bài kiểm tra miệng với nội dung câu hỏi tập trung vào thái độ của một người với quá khứ, hiện tại và tương lai: họ bi quan với quá khứ, chăm chăm vào tương lai hay biết cân bằng giữa quá khứ và tương lai để tập trung cho hiện tại.
Căn cứ vào kết quả bài kiểm tra, các thành viên được chia thành nhiều nhóm nhỏ. Từng nhóm tiếp tục hoàn thành một bản câu hỏi khảo sát về chất lượng cuộc sống để các nhà khoa học xác định sức khỏe thể chất và trí tuệ của họ.
Kết quả cho thấy những người giữ thái độ tiêu cực về quá khứ cảm thấy khó khăn trong các hoạt động thường ngày, hiệu quả làm việc thấp, dễ bị ốm và chịu đau kém hơn. Ngoài ra, họ còn có xu hướng trầm cảm, hay lo lắng và thay đổi về tính nết, cách hành xử.
Nhóm đối tượng chỉ chăm chăm vào tương lai thường quá tham vọng mà quên đi việc tận hưởng cuộc sống ở hiện tại.
Những người hạnh phúc nhất và khỏe mạnh nhất là những người biết rút kinh nghiệm từ quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không quên trân trọng cuộc sống ở hiện tại.
Theo Tiến sĩ Cristián Oyanadel, đồng tác giả nghiên cứu: “Thái độ tiêu cực về quá khứ khiến người ta có cái nhìn bi quan và phó mặc hiện tại, tương lai cho số phận. Điều này ảnh hưởng tới các mối quan hệ và những yếu tố tác động tới chất lượng cuộc sống của họ”.